Ông Nick Rahall (trái) và Phó tổng thống Iraq. |
Ngoài ông Rahall, phái đoàn tới Baghdad còn có cựu thượng nghị sĩ James Abourezk và hai người Mỹ khác. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua một nhà lập pháp còn tại vị có chuyến thăm và làm việc tại Iraq.
Thêm nữa, ông Abourezk cũng chỉ trích động thái chống Iraq, cho rằng Washington đã bị Israel xúi giục: “Nếu chính quyền Mỹ tấn công hay tuyên chiến với một nước nào đó khi chưa bị khiêu khích, lẽ dĩ nhiên là họ sẽ mất hết các giá trị đạo đức. Bị chính phủ Do Thái khích bác, ông Bush đang cố mở chiến dịch chống đối Iraq khi chưa có bằng chứng rõ ràng nào”.
Israel luôn buộc tội Iraq ủng hộ chủ nghĩa khủng bố qua việc Baghdad cấp tiền cho gia đình những kẻ đánh bom tự sát Palestine cũng như chuyển lậu vũ khí vào lãnh thổ Palestine.
Ông Rahall cũng không quên kêu gọi chính phủ Iraq chấp nhận không điều kiện sự quay trở lại của các thanh sát viên vũ khí LHQ. Ông cho rằng sự trở lại của các nhân viên này là một bước tiến tới hòa bình, nhưng không thể khẳng định là điều đó có khiến Washington từ bỏ ý định lật đổ Tổng thống Saddam Hussein hay không. “Tôi không thể nói được điều gì nhân danh Tổng thống Bush. Tôi không đến đây với tư cách là một ngoại trưởng hay thanh sát viên vũ khí. Tôi chỉ là một nghị sĩ mà thôi”, ông Rahall nói.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ năm, Tổng thống Bush cảnh báo chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein phải cho phép các thanh sát viên vũ khí LHQ quay trở lại nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả không hay. Một ngày sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng lại dè chừng Iraq bằng lời lẽ tương tự.
Iraq đã cấm hoạt động thanh sát vũ khí hủy diệt hàng loạt của LHQ từ năm 1998.
Bá Thùy (theo AP)