Châm cứu giúp chữa chứng đau đầu. |
Giáo sư Nguyễn Tài Thu – Viện trưởng Viện Châm cứu, Chủ tịch Hội Châm cứu VN – cho biết như vậy trong cuộc hội thảo về châm cứu, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12. Cho tới nay, các bệnh có thể điều trị bằng châm cứu khá đa dạng:
– Thần kinh: bại liệt, viêm dây thần kinh 7 hoặc 5, thần kinh tọa, viêm đa thần kinh, rối loạn cảm giác, tăng tiết mồ hôi…
– Tâm thần: mất ngủ, rối loạn tâm thần…
– Cơ xương khớp: thoái hóa khớp, viêm đa cơ, viêm quanh khớp, đau lưng, đau vai…
– Mắt: viêm thần kinh thị giác, giảm thị lực…
– Một số dạng bệnh khác như hen, rối loạn kinh nguyệt, cao huyết áp, nuốt khó, đái dầm…
– Nghiện ma túy, rượu và thuốc lá.
Ngoài việc áp dụng sáng tạo các hình thức điện châm, thủy châm…, Viện Châm cứu còn phát triển tốt phương pháp mãng châm (dùng kim to và dài châm vào các huyệt đạo, có tác dụng thông kinh lạc rất mạnh). Trong kỹ thuật mãng châm cổ truyền, loại kim lớn nhất chỉ có chiều dài 20-30 cm, đường kính 0,5-1 mm. Hiện Viện đã sử dụng kim dài 60-70 cm, đường kính 1-1,5 mm. Ưu điểm của kim lớn là tác động được vào những vùng ở sâu trong các khớp, các xương, hiệu quả điều trị rất cao. Tuy nhiên, phải những thầy thuốc giỏi mới sử dụng được loại kim này.
Một thành tựu khác của Viện Châm cứu cũng được giới chuyên môn đánh giá cao là áp dụng châm tê trong hơn 60 loại phẫu thuật như cắt 2/3 dạ dày, bướu cổ, sỏi tiết niệu, u nang buồng trứng… Đã có hơn 100.000 ca mổ được gây tê bằng phương pháp này, đạt hiệu quả 92%. Giáo sư Nguyễn Tài Thu cho biết, phương pháp châm tê được áp dụng cho những bệnh nhân có thể trạng không phù hợp với việc gây tê bằng thuốc, giúp tránh các biến chứng do thuốc tê.
Thanh Nhàn