Điều luật nói trên là một trong những vướng mắc chính làm tan vỡ cuộc thương lượng kéo dài giữa LHQ và chính phủ Hun Sen về việc lập tòa án xét xử Khmer Đỏ. LHQ hồi tháng 2/2002 tuyên bố rút khỏi đàm phán với Phnom Penh, cho rằng cách tiếp cận của người Campuchia không vô tư và khách quan. Hai bên đã không thể nhất trí xem liệu luật của địa phương hay vai trò của LHQ sẽ được coi là trội hơn trong tiến trình tố tụng. Thủ tướng Campuchia thì nhấn mạnh rằng khung pháp lý địa phương phải chi phối. Đồng thời, ông từ chối sửa đổi luật thành lập tòa án. Hun Sen nói Campuchia sẽ lập tòa án và xét xử thủ lĩnh chế độ diệt chủng dù có sự tham gia của LHQ hay không.
Tuy nhiên, lập trường của Phnom Penh cuối cùng cũng bị lay chuyển. Sự việc diễn ra sau hội nghị thường niên các nhà tài trợ quốc tế hai tuần trước. Trong đó, nhóm các nước giàu yêu cầu Phnom Penh xử lý hiệu quả sự yếu kém về tư pháp, tình trạng tham nhũng và vấn đề quan hệ với LHQ, nếu không sẽ giảm viện trợ. Đáp lại, ông Hun Sen hôm qua tỏ ý sẵn sàng nhân nhượng LHQ về vấn đề Khmer Đỏ. Hai bên – LHQ và Campuchia – đang đàm phán khá thuận lợi, mặc dù chi tiết ra sao còn chưa rõ ràng.
10 trong số 12 thủ lĩnh Khmer Đỏ sẽ bị xử một khi tòa án đặc biệt được lập nên. Tuy vậy, cho đến nay, người ta mới bắt bỏ tù được cựu tổng tư lệnh quân đội Khmer Đỏ Ta Mok và người đứng đầu trại tra tấn và hành quyết S21 Kang Kek leu (Duch).
H.F. (theo AFP)