Bác sỹ doanh nhân

èndhfgh
“Khoảng 50% sản phẩm của công ty là làm theo đơn đặt hàng và 50% do tôi thiết kế.”

– Nguyên cớ nào khiến ông bỏ nghề bác sỹ thẩm mỹ và chuyển hẳn sang một nghề hoàn toàn khác?
– Tôi có vài người bạn ở Mỹ, họ nhờ tôi mang những mẫu tượng, tranh trang trí về đặt hàng. Tôi đưa một vài công ty Đài Loan ở Việt Nam làm, nhưng họ không làm được. Tôi thấy quá tiếc. Tôi nghĩ mình có thể làm được và tôi quyết định thử.
– Ông đầu tư bao nhiêu tiền và mất bao lâu để thử nghiệm sản xuất những sản phẩm này?
– Khoảng 3-6 tháng tôi mới có được những sản phẩm ưng ý đầu tiên. Tôi mất gần 500.000 USD trong giai đoạn đầu cho việc định hình và tìm ra phương án sản xuất hợp lý.
– Ở độ tuổi gần 50, ông có thấy việc đổi nghề là chuyện mạo hiểm?
– Ở Mỹ, tôi làm nghề phẫu thuật thẩm mỹ không có gì khó khăn. Ở phòng mạch của tôi, một ca phẫu thuật cắt mắt, tôi thu 1.500 USD. Những khách hàng cắt mi mắt rồi, bị trục trặc cần tôi chỉnh sửa lại, thực hiện xong tôi sẽ thu 7.000USD.
Có một lần, trong một ca phẫu thuật ngực cho một khách hàng Indonesia, lúc y tá tháo chỉ, khách hàng này bị ngất xỉu. Tôi được gọi vô cấp cứu. Cũng may mắn sau đó khách hàng tỉnh lại. Giải quyết xong ca đó thì tôi mệt nhoài. Sau đó tôi hỏi khách hàng vì sao cô không thông báo rằng cô thường bị ngất xỉu, khách hàng trả lời đơn giản là cô không dám nói, vì nói ra các bác sỹ sẽ không mổ cho cô.
Thực sự ca mổ này khiến tôi thấy nghề nghiệp của mình quá nặng nhọc và nguy hiểm. Nửa đêm có bệnh nhân, là mình phải có mặt. Đó cũng là một nguyên nhân khiến tôi muốn đổi sang nghề mới.
– Vậy nghề mới có điều gì làm ông thú vị?
– Tôi thấy người Việt Nam mình giỏi. Tôi về đây mở nhà xưởng làm composite, tôi dạy nghề cho thanh thiếu niên trong xã. Họ tiếp thu rất nhanh và làm tôi hài lòng. Gần 10 năm làm nghề này, tôi có thể nói rằng người Việt Nam mình khéo tay và gu màu sắc, thẩm mỹ khá cao. Những khách hàng ở Mỹ, châu Âu đặt hàng quen, họ có thể cầm đơn hàng đó đặt cho những công ty của Trung Quốc với giá rẻ hơn 5-10% nhưng họ không làm vì sản phẩm của chúng tôi đáp ứng được yêu cầu màu sắc của khách hàng.
– Nghề bác sỹ có giúp gì ông trong công việc?
– Nghề bác sỹ thẩm mỹ có cái hay là làm đẹp cho phụ nữ. Làm tranh, vật trang trí bằng composite cũng là làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời. Tôi nghĩ khiếu thẩm mỹ và gu màu sắc giúp tôi nhiều trong công việc sáng tạo mẫu.
– Điều làm ông thú vị nhất trong sáng tạo cái đẹp này là gì?
– Khoảng 50% sản phẩm của công ty là làm theo đơn đặt hàng và 50% do tôi thiết kế. Tôi tâm đắc vì những mẫu do tôi thiết kế có mang chút màu sắc của sex, nhưng được thể hiện dưới một góc độ dí dỏm. Khách hàng ở Đức hiện nay rất mê các sản phẩm này và không bỏ tôi được.
– Nhiều người dị ứng với sex, còn ông chủ trương đưa sex vào sản phẩm, ông có ngại?
– Thật sự mà nói, sex là một phần nhu cầu của con người và tôi chỉ phản ánh nó trong các tác phẩm của mình với một cái nhìn dí dỏm. Tôi không lột trần nó mà chỉ thể hiện nó một cách kín kín mở mở theo phong cách Á Đông. Sản phẩm của tôi xuất sang châu Âu, Mỹ nên tôi cũng đáp ứng gu thẩm mỹ của khách hàng.
Sex trong các bức tranh, tượng, nếu dung tục quá thì sẽ tầm thường, nhưng nếu thể hiện nó một cách kín đáo, dí dỏm, người ta khi nhận ra sẽ ngạc nhiên, thú vị. Tôi sinh ra ở Việt Nam, sống ở Mỹ, rồi du lịch nhiều nơi, tôi thấy Nhà nước nghiêm ngặt điều này có phần đúng. Chính điều đó cũng giúp tôi suy nghĩ để thể hiện các sản phẩm của mình sáng tạo hơn, trần tục nhưng không dung tục.
– Ông nói rằng trong thời gian đầu bắt tay vào nghề mới, ông lỗ và mất gần 500.000 USD, lúc đó ông có nghĩ đến quay về Mỹ trở lại với nghề bác sỹ thẩm mỹ?
– Không! Lúc đó tôi cũng thất vọng nhưng tôi nghĩ: mình phải làm cho được.
– Vậy còn gia đình ông?
– Tôi cũng… mất luôn. Vợ tôi không chịu nổi khi tôi bỏ nhà đi xa làm ăn. Cô ấy xinh đẹp, có nhiều người theo đuổi, cuối cùng thì cô ấy đòi ly dị tôi và có chồng khác.
– Ông có cảm thấy hối tiếc vì những thay đổi công việc của ông dẫn đến quá nhiều xáo trộn?
– Tôi buồn. Tôi nhớ khi tôi dẫn vợ về Việt Nam, cô ấy thấy cảnh người Việt cực khổ và có khuyến khích tôi làm điều gì đó ở Việt Nam. Nhưng khi tôi đi xa, cô ấy cũng thay đổi… Tôi đã đánh giá sai và tôi phải trả giá.
– Lúc đó, con người nào trong ông mạnh hơn: con người của gia đình hay con người doanh nhân? Ông có muốn cứu vãn gia đình?
– Khi con trai của tôi báo cho tôi biết vợ tôi có người khác, tôi đã quyết tâm cứu vãn gia đình. Tôi đã nói với cô ấy những điều gì đã qua, tôi sẽ cho qua. Tôi sẽ về Việt Nam một, hai tháng để ổn định công việc rồi sẽ quay lại Mỹ. Nhưng cuộc sống thì không thể nói trước được. Vợ tôi đòi ly dị dù tôi năn nỉ hết lời. Cuối cùng, tôi chấp nhận đành phải chia tay. Từ đó tôi cũng dành hết tâm trí cho công việc ở Việt Nam.
Tôi nghiệm ra rằng gia đình là quan trọng và là cội rễ để mình bám vào. Lúc đầu làm ăn ở Việt Nam, tôi bị lỗ, rồi lại mất cả gia đình, cũng có lúc tôi nản lòng, nhưng vì tôi mất nhiều như vậy nên tôi càng quyết tâm phải làm bằng được nghề composite này.
– Nếu giả sử vì ông ở xa gia đình, tập trung hết cho công việc, con ông ít được chăm sóc và trở nên hư hỏng, ông nghĩ sao?
– Điều tôi cảm thấy an ủi và cũng may mắn là vợ tôi đã dạy dỗ con tôi rất tốt. Tụi nó rất ngoan và hiện nay tôi và con tôi vẫn liên hệ thường xuyên. Dù sao tôi cũng phải cảm ơn vợ tôi đã dạy dỗ con tôi nên người. Có thể nói giống như chuyện “Tái ông mất ngựa”. Tôi thấy ít ra tôi vẫn còn chút may mắn.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Close [X]
1gom
1gom