Đơn kiện đã được gửi lên cơ quan chức năng hai tỉnh Hà Tây, Hà Nam và Bộ Văn hoá thông tin. Các bô lão nguyên đơn thôn Hữu Vĩnh (xã Hồng Quang, Ứng Hoà, Hà Tây) cho rằng thôn Vĩnh Sơn (xã Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) đã “ăn cắp bản quyền” và “giả mạo di tích lịch sử quốc gia”. Đền Đức Thánh Cả có lịch sử lâu đời, thờ một vị tướng có công phò Lý Bôn đánh thắng giặc Lương. Còn Trình Đức Thánh Cả được xây dựng năm 1999.
Cụ Nguyễn Đình Chi, Phó ban quản lý di tích thôn Hữu Vĩnh, bức xúc: “Họ không chỉ nhái y chang từ nội dung đến cách bài trí hoành phi, câu đối ở Đức Thánh Cả, mà còn rỉ tai khách thập phương rằng Trình Đức Thánh Cả là đền thật, còn ở chỗ chúng tôi là giả”. Sở VHTT Hà Nam kết luận, kiến trúc của tiền đường, trung đường và hậu cung của hai đền đều theo kiểu uốn vòm. Hoành phi, câu đối phần lớn là giống nhau. Đền Đức Thánh Cả được làm bằng gỗ, còn Trình Đức Thánh Cả xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Đền Đức Thánh Cả, nằm cạnh sông Đáy, gần đất phật Chùa Hương nên trên đường trảy hội, du khách thường ghé qua phúng viếng cầu may. Cụ Chi cho biết: “Mỗi năm tiền công đức của khách thập phương cũng được 300-500 triệu đồng”.
Ngày trước, du khách muốn viếng thăm đền thôn Hữu Vĩnh thì phải đi thuyền từ bến Đục Khê, Hương Sơn, Hà Tây vào. Gần đây, một con đường bộ được mở dọc triền sông Đáy, do vậy muốn vào đền Đức Thánh Cả phải đi qua đất của thôn Vĩnh Sơn. Và thôn này đã tận dụng lợi thế, barie án ngữ đường vào Đức Thánh Cả và xây đền Trình Đức Thánh Cả. Khách thập phương đến lễ bái phải mua vé vào cửa 2.000 đồng/người, gửi xe 25.000 đồng/ôtô, 5.000 đồng/xe máy và 2.000 đồng/xe đạp.
Về việc đơn kiện của thôn Hữu Vĩnh, các bô lão thôn Vĩnh Sơn cho rằng: “Chúng tôi xây mới đền trên nền cũ của đền Trình Đức Thánh Cả đã bị phá huỷ trong chiến tranh chống Pháp”. Ông Phan Duy Tiên, Phó chủ tịch UBND xã Tân Sơn nói: “Chúng tôi không làm giả hay làm giả hay nhái đền của ai cả”. Trong khi đó, thôn Hữu Vĩnh lại bảo “làm gì có nền đền cũ”, và khẳng định nơi này chưa từng bị ném bom trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Cơ quan chức năng của hai tỉnh Hà Nam và Hà Tây đã họp bàn trên cơ sở “tình làng nghĩa xóm” và ra kết luận: Phải đổi tên Trình Đức Thánh Cả thành đền Vĩnh Sơn; thay đổi những câu đối có nội dung giống nhau; bỏ trạm barrie và không được chặn khách để thu tiền. Nếu tuân thủ các quy định trên, ngôi đền được phép tồn tại.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Di tích Cục bảo tồn – bảo tàng Bộ Văn hoá thông tin cho biết: “Phải điều tra xem đền của thôn Vĩnh Sơn được xây dựng trên nền cũ hay dựng mới hoàn toàn. Nếu xây mới mà chưa được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam là vi phạm pháp luật và chính sách tôn giáo của Đảng. Mặt khác phải xem việc này là vì kiếm lời hay nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân. Nếu vừa vi phạm về xây dựng và khai thác vì tiền bạc thì phải tháo dỡ”.
(Theo Pháp Luật TP HCM)