Bà Đảo với nắm cơm “làm giàu”. |
Hồi những năm 1980, khi sản xuất nông nghiệp nước ta còn khó khăn, bà Đảo phải đi bán nước ở tàu chợ Hà Nội – Hải Phòng. Lúc ấy, bà để ý thấy nhiều người lỡ bữa muốn ăn gì cũng không có, bèn nắm cơm bán rong ở ga Hàng Cỏ và theo tàu Hải Phòng. Nhưng tiền bán cơm nắm cho khách trên tàu lúc này chẳng được nhiều, chỉ thêm thắt chút ít cho thu nhập của gia đình.
Đến năm 1995, dịch vụ ăn uống bắt đầu bung ra trên vỉa hè đường phố. Bà đã nhận thấy Hà Nội có thể là thị trường lớn cho cơm nắm của xã mình. Giờ thì có tới hơn 500 hộ trong xã đều chọn nghề làm cơm nắm. Có nhà mỗi tối thổi khoảng 1-2 tạ gạo, làm gần 1.500 nắm giao cho chị em trong xã đi Hà Nội bán. Nhà bà Đảo ngày nào cũng thổi 50 kg gạo, 3 lao động nắm cật lực cả đêm cũng không đủ hàng giao cho khách.
Theo bà Đảo, gạo thổi cơm thích hợp nhất là giống Q4, Q5. Tuy nhiên, gạo phải sát hai lần, nấu bằng nồi gang hoặc xoong nhôm cho đủ nước thì cơm mới mềm mà không nát. Cơm muốn ngon, khi cạn nước nhất thiết phải ủ bằng rơm. Nắm xong, xếp cơm ra rá cho nguội rồi mới gói giấy báo. Mỗi cân gạo Q4 giá 2.600 đồng, thổi được 10 nắm to. Bán buôn thì thu về 8.000 đồng. Nếu gia đình tự thổi cơm và đi chợ bán thì thu từ 13.000 đến 15.000 đồng.
Nắm cơm của những người làm đồng, làm bãi giờ đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho bà con Lạc Đạo. Ông Chủ tịch xã Đỗ Tiến Nhượng cho biết, thổi cơm nắm tuy lãi nhỏ nhưng bền và chắc. Bà Đảo thì hồ hởi nói: “Ngay cả nhà ông chủ tịch, bí thư xã cũng có dạo làm nghề cơm nắm mà phát tài, phát lộc”. Nhiều gia đình khác trong xã như anh Đỗ Văn Biên, chị Nguyễn Thị Hòa đã có “của ăn của để” nhờ công việc này.
(Theo Đầu Tư)