Băng rôn quảng cáo có hình ca sĩ Cẩm Ly. |
Trước khi tổ chức một chương trình tạp kỹ, bầu sô thường giao phần lo sân bãi cho “ngoại vụ”. Nhiệm vụ chính của người này là tìm bãi đất trống có sức chứa từ 1.000 khán giả trở lên, sau đó liên hệ với phòng VHTT ở địa phương thỏa thuận ký hợp đồng. Trung tâm văn hóa và các phường ở vùng ven TP HCM có bãi đất trống (sân tập lái xe, sân banh) rất tích cực trong việc cho thuê địa điểm tổ chức, bởi chính quyền địa phương cũng muốn có món ăn tinh thần cho người dân trong khi địa phương chưa thể tự tổ chức những chương trình văn nghệ tương tự. Thông thường mấy ông “bầu” khi đến địa phương đều mang danh nghĩa được Sở VHTT thành phố cấp phép, nên chính quyền sở tại ít quan tâm nội dung chương trình, dễ dãi trong việc thỏa thuận giá cả sao cho đôi bên cùng có lợi.
Sáng sớm, bộ phận quảng cáo có nhiệm vụ treo băng rôn và quảng cáo bằng xe loa. Hàng chục tấm vải ghi tên ca sĩ với những danh xưng thật “bốc” được căng lên. Thôi thì đủ cả, nào là “ngôi sao top ten”, “ngôi sao tài danh”, “siêu sao ca nhạc”… Nhiệm vụ của bầu sô lúc này là liên hệ với các ca sĩ hát lót, nhạc công, các nhóm hài, sau đó mời vài ca sĩ “sao”. Riêng bộ phận dựng rạp, sân khấu thì “bầu” chỉ việc nhấc điện thoại alô. Họ sẽ có mặt ngay, dù chẳng được trả một khoản tiền nào nhưng bù lại sẽ được “bầu” ưu ái nhường độc quyền khoản cho thuê ghế ngồi (từ 2.500 đến 3.000 đồng/cái) gỡ vốn. Chính vì thế mà trong mỗi đêm, một bầu sô có thể tổ chức từ 1 đến 3 chương trình tạp kỹ ở 3 điểm khác nhau mà hoàn toàn không bị động về ca sĩ.
Trước khi tổ chức chương trình, bầu sô hay dò hỏi tâm lý khán giả địa phương để mời bằng được vài “sao” về làm “đinh”. Các “bầu” đều có trong tay hàng loạt số điện thoại của ca sĩ dạng này, chỉ cần một cú điện thoại, báo thời gian và địa điểm, họ sẵn sàng có mặt và không đòi hỏi ra giá như các sao “đinh”. Minh Dũng, một ca sĩ chuyên hát nhạc tiệc cưới ở quận 5 TP HCM và là ca sĩ lót thường xuyên cho chương trình tạp kỹ của “bầu” Minh Quân, cho biết: “Hát tạp kỹ thoải mái lắm, tuy cát-xê chỉ 100.000-200.000 đồng nhưng có thể tự do tặng hình và khán giả dễ biết mình hơn là hát ở tiệc cưới”. Thu Thảo, tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, nói: “Mặc dù đã qua trường lớp đào tạo đàng hoàng, nhưng nếu không có người đỡ đầu thì khó có chỗ đứng trên sân khấu. Vì vậy, tôi chấp nhận làm ca sĩ lót cho chương trình tạp kỹ để rèn nghề và cũng để kiếm sống”. Một nhạc công trước đây thường xuyên chơi nhạc cho các chương trình dạng này cho biết, nhiều bầu sô muốn cho xôm tụ và đông khán giả nên treo băng rôn danh ca này, tài danh nọ, nhưng thực chất những “danh ca, tài danh” đó chỉ là những ca sĩ hát lót hạng xoàng, cát-xê chỉ bằng 1/70 hay 1/100 của ca sĩ “đinh”.
Sau ca sĩ “đinh”, nhạc công là “đứa con cưng” thứ hai của các bầu sô, bởi họ là người “chữa cháy” cho chương trình bằng những bản hòa tấu khi ca sĩ chưa kịp đến. Có nhiều cách bầu sô mời nhạc công, giao người dẫn chương trình lo ban nhạc, gọi một nhạc công quen và giao cho người này tự lo liệu việc điều thêm một số nhạc công khác, hoặc “ráp tay” từng nhạc công thành ban nhạc. Do xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên khi “ráp tay” lại, các nhạc công thường bất đồng trong lúc biểu diễn. Người đánh theo kiểu nhà hàng, người theo kiểu trường lớp, người chơi kiểu tự do mà giới chơi nhạc thường gọi là “full”. Lúc lên sân khấu, họ chỉ đánh 3-4 ca khúc đầu, thời gian còn lại chủ yếu đứng “làm màu” bởi các ca sĩ đều sử dụng phương tiện kỹ thuật phòng thu thay thế giọng hát thật. Chính vì thế, khán giả chẳng lạ gì cảnh ca sĩ đang hát, nhạc công ngồi thụp xuống sửa đàn hoặc bỏ xuống sân khấu hút thuốc tỉnh bơ!
Khán giả ở các vùng ven, ngoại thành khá dễ tính. Họ không quá kén chọn nội dung chương trình mà chỉ mong được nhìn mặt ca sĩ mình yêu thích. Anh Tuấn, một khán giả xem đêm diễn ngày 14/8 ở Nhà Thiếu nhi quận 12 TP HCM, cho biết: “Em không thích mấy chương trình như vậy vì giống như ca nhạc phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng. Nhưng vì bạn gái em muốn được nhìn mặt Kim Tiểu Long nên mới vào đây”. Hiện nay, các ca sĩ được bà con vùng ven quen mặt và hâm mộ nhất là: Ngọc Sơn, Ngọc Hải, Ngọc Hà, Chế Thanh, Cẩm Ly… Khán giả chỉ cần nhìn thấy mặt nghệ sĩ là đã toại nguyện, thậm chí có “sao” lên sân khấu hát ít, cười nói nhiều nhưng khán giả vẫn vỗ tay rần rần.
(Theo Người Lao Động)