Nhiều người trước khi ăn hoa quả không rửa sạch, chỉ dùng tay chùi qua. Điều đó không tốt.
Trước kia, nhiều người cho rằng hoa quả là nguồn dinh dưỡng phong phú, chất dinh dưỡng trong vỏ không ít, nên ăn cả vỏ thì tốt hơn. Cho dù vỏ của một số quả rất khó ăn nhưng không ít người vẫn tận dụng (như ngâm vỏ quýt vào nước để uống). Thực ra, làm như thế là không hay. Vì rất nhiều vùng trên đất nước ta, người trồng cây thường phun thuốc định kỳ để ngăn ngừa sâu bọ. Do đó, vỏ hoa quả khó mà tránh tình trạng nhiễm thuốc. Nếu gặp phải những loại thuốc có tính thẩm thấu mạnh, thậm chí ngấm sâu vào trong quảquả thì dù có rửa kỹ cũng không thể sạch.
Vậy đối với những loại quả không thể gọt vỏ như nho, đào, xoài, đại táo… thì làm thế nào? Đối với những loại đó, trước hết nên rửa qua nước sạch, sau đó ngâm vào dung dịch thuốc tím độ 10 phút, dùng nước sôi để nguội rửa sạch rồi mới ăn. Thao tác này vừa có thể diệt được vi khuẩn trên vỏ, vừa khử được tàn dư thuốc thực vật.
Nhưng cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng, những thực phẩm không bị phun thuốc và không nhiễm phân hóa học sẽ ngày càng nhiều. Loại thực phẩm này (bao gồm cả hoa quả) đương nhiên sẽ tránh được tình trạng trên. Nếu hoa quả bạn mua về là hoa quả sạch, việc ăn cả vỏ sẽ không gây tác hại gì.
234. Bụi vào mắt thì làm thế nào?
Những ngày gió to, đi ngoài trời, cát bụi rất dễ bay vào mắt. Vì mắt là cơ quan thị giác rất nhạy cảm nên dù hạt bụi nhỏ hơn hạt cải, ta cũng đã cảm thấy rất khó chịu. Lúc đó, một số người dùng tay giụi mắt, hy vọng đẩy bụi ra ngoài. Nhưng việc này dễ gây tổn thương cho nhãn cầu.
Như ta đã biết, con mắt giống như máy ảnh vô cùng tinh xảo. Giác mạc giống như một lớp thủy tinh mỏng che phía trước. Nó trong suốt, trơn phẳng để cho ánh sáng đi vào tận đáy mắt. Sau khi mắt bị bụi vào, nếu dùng lực giụi mắt thì lớp thủy tinh này sẽ bị rạch thành nhiều đường, khiến cho mắt mờ đi, nhìn không rõ.
Vậy khi mắt bị bụi thì làm thế nào? Trước hết, ta cần lợi dụng nước mắt. Bình thường trong mắt luôn có nước mắt, có tác dụng bôi trơn nhãn cầu. Khi mắt bị bụi, nước mắt tăng lên rất nhiều. Để nước mắt cuốn trôi bụi dễ dàng, hãy nhắm mắt lại, dùng tay nắm mí mắt kéo nhẹ nhàng mấy lần. Nếu làm cách này vẫn không đỡ thì có thể nhờ người khác lật mí mắt lên, dùng vải mềm hoặc bông xoa nhẹ, hoặc nhúng mắt vào nước sạch rồi nhấp nháy.
Nếu sau khi lật cả hai mí mà không tìm thấy bụi, nhưng mắt vẫn có cảm giác cộm xốn thì có thể bụi đã dính vào giác mạc. Lúc đó, nên đến bệnh viện kiểm tra, nhờ bác sĩ xử lý.
235. Hóc xương thì làm thế nào?
Hóc phải xương thì làm sao? Không ít người có thói quen dùng phương pháp ăn một miếng cơm to để kéo xương đi theo. Thực tế phương pháp này rất nguy hiểm bởi vì cục cơm rất dễ khiến cho xương càng cắm sâu hơn, không những khó lấy ra mà còn làm cho thực quản dễ bị viêm nhiễm hoặc thủng, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi hóc xương cá, nên kịp thời tìm cách gắp nó ra, không nên ăn nuốt lung tung.
Nếu xương cá cắm vào yết hầu, nhìn thấy được khi mở to miệng thì có thể dùng nhíp để lấy ra. Nếu hóc ở cuống họng hoặc xung quanh xương sụn lưỡi gà, tự mình khó nhìn thấy thì nên mời bác sĩ dùng nhíp đặc biệt để lấy ra. Nếu hóc trong thực quản thì bác sĩ cũng không nhìn thấy được, phải chiếu X-quang để kiểm tra. Bệnh nhân được cho nuốt chất cản quang, chất này gặp phải xương sẽ bị xương giữ lại, hiện hình rất rõ trên màn X-quang hiện ra rất rõ. Nhờ xác định chính xác vị trí của xương, bác sĩ có thể dùng đèn soi thực quản để lấy nó ra.
Trong dân gian lưu truyền cách uống dấm để chữa hóc. Trong trường hợp không có thiết bị soi thực quản, bạn có thể thử phương pháp đó xem sao.
Để đề phòng hóc xương, không nên nói chuyện khi ăn cơm (đặc biệt là những bữa có món cá) vì việc vừa nói vừa ăn sẽ cản trở động tác nuốt bình thường, rất dễ gây hóc.
(còn tiếp)
LTS: “Cơ thể người là một trong 12 quyển thuộc bộ sách Mười vạn câu hỏi”, được biên soạn bởi đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đầu ngành của Trung Quốc. Sách dùng hình thức trả lời câu hỏi để giới thiệu, giải đáp những vấn đề liên quan đến cơ thể con người, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu. Bằng ngôn ngữ dễ hiểu, sinh động, với cách đặt câu hỏi phù hợp với thắc mắc của đa số thanh thiếu niên, cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều điều lý thú, bất ngờ.
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001″.