Jaafari – người có khả năng đoàn kết Iraq

Ibrahim Jaafari.
Ibrahim Jaafari.

Mặc dù Jaafari giữ chức phó tổng thống trong chính phủ lâm thời Iraq, phong cách quý tộc của ông dường như thích hợp để nghiên cứu triết học hơn là tham gia nền chính trị đầy nguy hiểm ở Iraq. Trong một thế giới toàn những nhân vật cứng rắn, Jaafari nổi lên nhờ sự mềm mỏng. Ông thân với cựu toàn quyền Mỹ Paul Bremer nhờ có điểm chung với ông này là say mê văn hoá ẩm thực.
Đối với những người Iraq đã chán chiến tranh và Washington, sự nhẹ nhàng của Jaafari là một điều đáng mừng ở một đất nước đầy những sự đối đầu và thù địch.
Nếu trở thành thủ tướng, Jaafari – từng học nghề y – sẽ phải chứng tỏ sự khéo léo của một phẫu thuật gia để đoàn kết những phe nhóm Shiite chia rẽ, xoa dịu cộng đồng Kurd hay yêu sách và giành lòng tin của người Ảrập Sunni, trong khi đảm bảo sự hiện diện quân sự của Mỹ – vốn bị dân Iraq oán giận nhưng hiện không thể thiếu đối với an ninh của đất nước.
Jaafari có một điểm lợi là ông được hầu hết các nhóm tôn giáo, sắc tộc và chính trị chấp nhận. Theo các cuộc thăm dò hồi năm ngoái, phó tổng thống lâm thời là một trong những chính trị gia Iraq được kính trọng nhất.
“Ông ấy không phải là một người gây chia rẽ, và ở Iraq hiện nay, đó là một ưu thế lớn”, Wamidh Nadhmi, nhà nghiên cứu chính trị kiêm chính trị gia Sunni theo tư tưởng ôn hoà bình luận. “Theo tôi, hầu hết người dân Iraq cảm thấy có thể tin tưởng ông”.
Jaafari lãnh đạo đảng Dawa Hồi giáo. Nhóm này theo tư tưởng tôn giáo Shiite và từng đứng đầu cuộc nổi dậy chống chế độ Saddam Hussein cuối thập kỷ 1970. Dawa nhận tài trợ từ chính quyền người Shiite ở Iran.
Trong thời kỳ chiến tranh Iraq-Iran thập kỷ 1980, Saddam coi việc tham gia đảng này là một tội có thể xử tử. Giống như đa số các nhân vật lãnh đạo Dawa, Jaafari trốn sang Iran, sau đó là Anh.
Các hoạt động trong quá khứ của Dawa có nhiều điều mờ ám. Cánh quân sự của đảng này từng đánh bom Đại sứ quán Mỹ, Pháp ở Kuwait và Đại sứ quán Iraq tại Beirut thập kỷ 1980. Jaafari khẳng định ông không có liên quan đến các vụ tấn công này.
Trở về Iraq sau cuộc chiến của Mỹ, Jaafari nỗ lực củng cố phương diện thế tục của mình. “Ông ấy có thể đứng đầu một đảng Shiite, nhưng chưa bao giờ ông ấy phát biểu giống như một chính trị gia Shiite”, Ammar Zain Alabideen, phát ngôn viên đảng Hồi giáo Iraq, nhóm chính trị Sunni chủ chốt ở Iraq bình luận. Dawa vẫn duy trì những mối liên hệ với chính phủ Iran, nhưng Jaafari khẳng định ông không vì điều này mà ghét người Mỹ: “Nước Mỹ giải phóng Iraq khỏi Saddam, chúng tôi sẽ mãi biết ơn vì điều đó”.
Thách thức lớn nhất đối với Jaafari và Quốc hội 275 thành viên là chứng tỏ họ có thể tự lãnh đạo Iraq. Jaafari hy vọng thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc, với một nội các tập hợp tất cả các đảng phái chính, bao gồm cả người Sunni. Ông sẽ cần đến tất cả tài năng ngoại giao của mình để làm được việc đó.
M.C. (theo Time)

Close [X]
1gom
1gom