Bồi thường ’đời con gái’ 5 triệu đồng

Cách đây 4 tháng, qua mai mối của ông Quang (ở TP HCM), cô Bùi Thị Ba gặp ông Lin Chun An – người Đài Loan sang Việt Nam tìm vợ. Ngày 18/4, tức chỉ gần 1 tuần sau, hai người tổ chức đám cưới. Gia đình cô được chú rể tặng 2 triệu đồng và mời 16 người lên TP HCM ăn cưới. Riêng cô dâu được tân lang tặng 1 số nữ trang trị giá 1 cây vàng. Việc tổ chức hôn lễ, giao dịch giữa cô Ba cùng gia đình với ông An đều do ông Quang dàn xếp.
Sau tiệc cưới, đôi vợ chồng hưởng trăng mật ở khách sạn tại TP HCM. Ngày 24/5, họ đến Sở Tư pháp Cần Thơ làm thủ tục kết hôn. Ba ngày sau, chú rể tạm biệt cô dâu để về Đài Bắc và mượn lại hơn nửa số nữ trang đã tặng hôm cưới để làm lộ phí. Ông An nói sẽ trở lại Việt Nam đúng như lịch hẹn của Sở Tư pháp để ký vào sổ đăng ký và nhận giấy kết hôn, làm thủ tục đón Ba sang Đài Loan. Từ lúc đó, cô Ba không được tin tức về chồng. Ông Quang gọi điện thông báo cho cô biết rằng ông An sẽ không trở lại Việt Nam vì bị mất visa. Ông Quang khuyên cô Ba hãy làm đơn xin hủy bỏ việc đăng ký kết hôn, nếu không làm như vậy thì khó lấy được ai nữa. Sau đó, ông sẽ tiếp tục giúp cô xe duyên với người đàn ông Đài Loan khác. Tin ông Quang, cô Ba làm đúng theo chỉ dẫn trên.
Đến ngày 13/7, cô Ba biết tin ông Lin Chun An đã trở lại Việt Nam và cưới vợ khác là Nguyễn Thị Liên (An Giang). Ông An đang làm thủ tục để bảo lãnh cho Liên xuất cảnh sang Đài Loan. Gần 1 tháng tìm chồng, cô Ba phát hiện người từng làm đám cưới với mình đang cùng cô vợ mới làm thủ tục phỏng vấn tại Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP HCM. Thấy ông An đi với người phụ nữ khác ngay trước mặt, Ba chỉ còn biết khóc. Cô làm đơn khiếu nại gửi khắp nơi nhờ can thiệp.
Về việc này, theo một cán bộ hộ tịch Sở Tư pháp Cần Thơ, cô Ba. và ông An đang ký kết hôn ở đây là có thật. Tuy nhiên, sau đó người con gái có đơn đề nghị hủy việc đăng ký trước khi trao giấy chứng nhận kết hôn và Sở đã thực hiện theo yêu cầu này.
Một quan chức của Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP HCM cho biết, trước đây văn phòng có cấp công hàm cho ông Lin Chun An đến Sở Tư pháp Cần Thơ tìm hiểu cô Ba và đăng ký kết hôn. Công hàm có giá trị trong vòng 3 tháng, nếu hết thời gian này, hai bên không có giấy chứng nhận kết hôn thì coi như không có gì ràng buộc nhau. Theo luật pháp Việt Nam, dù đã tổ chức đám cưới nhưng chưa có hôn thú, ông An chưa phải là chồng cô Ba.
Trong lần quay trở lại Việt Nam mới đây, ông An có đến văn phòng trình bày nguyện vọng muốn cưới vợ Việt Nam và được cấp công hàm khác. Qua vụ rắc rối với cô Ba kể trên, văn phòng sẽ thu hồi công hàm trên và mời hai bên đến để thỏa thuận về mức bồi thường. Đến khi nào cô Ba không còn khiếu nại thì mới cho ông An làm thủ tục kết hôn với cô Liên.
Vị quan chức trên còn cho biết thêm, chuyện dở khóc dở cười như thế này xảy ra rất nhiều. Có người đàn ông Đài Loan mới làm thủ tục đăng ký kết hôn với cô này, vài ngày sau đã xin đổi để kết hôn với cô khác. “Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc mong các cô gái Việt Nam hãy suy nghĩ trước khi chung sống như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn…”, ông cảnh báo.
Trước cách giải quyết của văn phòng, đêm 9/8, ông Quang đi cùng ông An và một người làm chứng khác đến gặp cô Ba để thỏa thuận về cách giải quyết khiếu nại. Cô Ba đòi yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng, chủ yếu là lấy lại số nữ trang mà ông An đã tặng tại buổi hôn lễ. Ban đầu, nguyện vọng của cô Ba không được ông An chấp nhận với lý do số trang sức trên đã bán hết ở Đài Loan. Chú rể trong ngày cưới của cô Ba cho rằng, qua mấy ngày chung sống thấy Ba không hợp nên không xúc tiến việc hôn nhân giữa hai người nữa. Hai bên dùng dằng, ai cũng giữ nguyên ý kiến. Cuối cùng, ông Quang đưa ra đề nghị bồi thường cho cô Ba 5 triệu đồng với điều kiện cô phải đến cơ quan chức năng rút đơn khiếu nại.
(Theo Pháp Luật TP HCM)

Close [X]
1gom
1gom