Mẹ thiếu hay thừa hoóc môn tuyến giáp đều có ảnh hưởng xấu đến thai nhi. |
Những thai phụ có tuyến giáp bị suy hoặc quá “năng động” đều dễ bị sảy thai hoặc sinh con thiếu cân, các nhà khoa học Mỹ khẳng định.
Khoa học từ lâu đã biết rằng, sự thiếu hụt hoóc môn tuyến giáp – nội tiết tố làm nhiệm vụ điều tiết quá trình trao đổi chất – sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai và những dị tật bẩm sinh cũng như sự chậm phát triển ở trẻ.
Khoảng 2% số phụ nữ mang thai phải đối phó với sự thiếu hụt này bằng cách bổ sung. Tuy nhiên, nếu dư thừa hoóc môn tuyến giáp cũng sẽ gây ra hậu quả khó lường. Hiện nay, người ta chưa thể xác định những ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng thừa hoóc môn tuyến giáp, do cơ thể luôn sản sinh các kháng thể đặc biệt có khả năng che giấu hậu quả. Chỉ biết rằng, người bị thừa hoóc môn tuyến giáp có thể hay lo lắng, sụt cân và tăng nhịp tim.
Một nhóm chuyên gia đến từ Đại học Chicago cùng với nhà nội tiết học Joao Anselmo của Bệnh viện Divino Espirito Santo (Bồ Đào Nha) đã nghiên cứu những ảnh hưởng của tuyến giáp đối với bào thai. Đối tượng nghiên cứu là một gia đình lớn ở Bồ Đào Nha có vấn đề về tuyến giáp di truyền. Tuy nhiên, một số thành viên trong gia đình sở hữu một gene đặc biệt, có khả năng đối phó với những tác động xấu của tình trạng dư thừa nội tiết tố này.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào kết quả mang thai của 167 thành viên trong gia đình – những người thuộc thế hệ con cháu của các cặp vợ chồng từ thế kỷ 19. Họ nhận thấy những phụ nữ không mang gene bảo vệ rất dễ bị sảy thai, cho dù thai nhi sống sót thì dễ bị nhẹ cân khi chào đời. Còn ở những thai phụ có gene bảo vệ song thai nhi không có, thì nguy cơ sảy thai có thể cao gấp 3 lần trong cả hai trường hợp:
– Cha có lượng hoóc môn tuyến giáp cao nhưng mẹ bị thiếu hụt.
– Cả cha và mẹ đều thiếu loại nội tiết tố này.
Và những đứa trẻ may mắn sống sót vẫn bị thiếu cân lúc sinh.
“Điều này chứng tỏ quá nhiều hoóc môn tuyến giáp cũng nguy hiểm như khi thiếu thốn”, thành viên nhóm nghiên cứu Samuel Refetoff kết luận.
Mỹ Linh (theo Reuters)