“Cháu 21 tuổi, cao 145 cm, nặng 43 kg dù vẫn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bố mẹ cháu đều thấp. Nên uống thuốc gì để có thể phát triển thêm chiều cao? Và đến tuổi nào thì không nên uống thuốc nữa?”.
Nếu cả bố lẫn mẹ đều thấp, con cái ít khả năng cao. Nếu bố mẹ thấp nhưng ông bà nội ngoại là người cao lớn thì cháu có thể thừa hưởng gene cao lớn ở thể lặn. Nếu vậy, từ nay đến tuổi 25, cháu vẫn còn chút ít hy vọng là gene lặn đó có thể phát huy. Còn nếu ở cả hai bên nội ngoại không có ai cao hơn bố mẹ cháu thì đành chịu. Tuy nhiên, trong đà gia tăng chiều cao hiện nay của lớp trẻ trên toàn thế giới, có thể cháu sẽ nhỉnh hơn đôi chút so với bố mẹ.
Hiện có thuốc hoóc môn tăng trưởng (hGH) sử dụng cho những trường hợp thấp bé do trục trặc ở tuyến yên. Thuốc này không có tác dụng trong trường hợp của cháu.
117. Người gầy
“Cháu 19 tuổi, cao 161 cm mà chỉ nặng 46 kg. Bố mẹ cháu ai cũng cao lớn nhưng cháu gầy gò, cổ tay nhỏ xíu, các đầu xương đều nhô ra. Xin cho cháu một lời khuyên”.
Cháu còn may mắn hơn những người béo phì, bởi vì cháu cứ tha hồ ăn uống, tha hồ ngủ nghê mà không sợ gì hết. Một số nghiên cứu cho thấy, những người gầy nếu không nghiện rượu, không hút thuốc lá sẽ sống lâu.
Huống chi gene tiềm tàng trong người cháu lại là gene cao to của bố mẹ. Cháu nên tìm cách ăn thêm nhiều cơm, nhiều thịt, cá, trứng, tôm cua, sữa, bánh kẹo; tranh thủ ngủ trên 8 giờ mỗi ngày (trong đó có 1 giờ ngủ trưa), dùng thêm đều đặn mỗi ngày 1 viên Theravit (đa sinh tố kèm các chất khoáng tối cần cho cơ thể). Nên tập thể dục toàn thân đều đặn, với mức tăng dần để không quá sức.
Trong khi thực hiện, nếu thấy kết quả tốt, phải bớt ăn, bớt ngủ đi một chút, phòng nguy cơ trở thành bụng phệ.
118. Bụng quá to
“Cháu 18 tuổi, cao 150 m, nặng 46 kg. Không hiểu sao từ mấy năm nay, bụng dưới của cháu lại phình ra như người mang bầu được hai tháng. Xin cho biết cách khắc phục”.
Cháu hãy đo và ghi chép số cân nặng, vòng eo của mình để dùng làm số liệu so sánh, rồi kiên trì thực hiện mấy biện pháp đơn giản sau (không được ngắt quãng):
– Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, dang rộng, nửa thân trên dựng dậy dậy, đưa bàn tay bên nọ chạm vào bàn chân bên kia. Số lần tăng dần. Tập vào lúc tỉnh dậy là thích hợp nhất. Có thể thay bằng động tác: Đứng giạng chân rồi cúi xuống ngẩng lên, chạm tay bên nọ vào chân bên kia.
– Lắc vòng: Nên để vòng cạnh bàn học để thỉnh thoảng lắc giải lao.
– Đi bộ nhiều, bơi lội thêm nếu có điều kiện. Không ngủ quá 7 giờ /ngày.
Ngoài ra, cháu chú ý đừng để tăng cân (thậm chí giảm đi chút ít càng tốt) bằng cách: hạn chế chất bột, chất đường (kể cả chuối), không ăn mỡ; ăn thật nhiều rau xanh các loại và hoa quả. Tóm lại là dùng những thức ăn ít calo, không gây tích lũy mỡ.
(còn tiếp)
LTS: “Cuốn 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc của tiến sĩ Lê Trọng Bổng là kết quả của việc chọn lọc, sắp xếp các thư trả lời độc giả về các vấn đề y khoa trong nhiều năm. Bằng lối diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, tác giả đã truyền đạt kịp thời những thông tin đáng tin cậy đến bạn đọc nhờ vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức thu nhận được từ các tài liệu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Lê Trọng Bổng là phẫu thuật viên khoa ngoại tổng quát và phẫu thuật lồng ngực, giảng viên đại học và biên tập viên báo chí khoa học.
Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2001”.