Luật sư Phạm Thanh Bình. |
– Công dân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn sinh sống thì quyền sở hữu của họ với tài sản trong nước có bị ảnh hưởng gì không?
– Theo Điều 172 và 173 Bộ luật Dân sự, tài sản gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Điều 175 quy định quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Như vậy, quyền sở hữu tài sản của công dân Việt Nam luôn được pháp luật bảo vệ, dù họ ở trong hay ngoài nước.
– Nếu họ ra nước ngoài, đã nhập quốc tịch nước ngoài thì sao?
– Công dân Việt Nam sau khi thôi quốc tịch Việt Nam thì được coi là người nước ngoài gốc Việt Nam. Theo quy định tại Điều 833 Bộ luật Dân sự, quan hệ sở hữu tài sản của đối tượng này được điều chỉnh theo pháp luật của nước nơi có tài sản. Như vậy, đối với tài sản ở Việt Nam của người nước ngoài gốc Việt Nam, các quan hệ về sở hữu được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.
Luật Quốc tịch Việt Nam cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có điều nào quy định hậu quả pháp lý của việc thôi quốc tịch Việt Nam là sự mất quyền sở hữu đối với tài sản ở Việt Nam, kể cả đối với bất động sản. Như vậy về nguyên tắc, người nước ngoài gốc Việt Nam không bị mất quyền sở hữu đối với tài sản ở Việt Nam.
– Tuy nhiên, nhiều Việt kiều là bạn đọc VnExpress cho biết, họ không thể làm giấy tờ sở hữu với tài sản trong nước được, nhất là với bất động sản. Theo ông tại sao?
– Do các đặc điểm về chính trị, kinh tế, xã hội nên hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa để người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đứng tên trên giấy tờ sở hữu đối với bất động sản ở Việt Nam. Mặc dù vậy, pháp luật vẫn thừa nhận nguyên tắc chung là đối tượng này vẫn có quyền hưởng dụng giá trị tài sản khi được thừa kế, tặng cho… Đáng chú ý là gần đây, quyền mua nhà và đăng ký sở hữu đối với kiều bào ở nước ngoài đã được mở rộng đáng kể. Đó là những đối tượng được quy định tại Nghị định 81/2001/NĐ-CP ngày 5/11/2001. Các quy định này đang được làm rõ hơn và nâng cao hiệu lực pháp lý bằng Luật Đất đai mới, sẽ được Quốc hội thông qua ở kỳ họp tới.
Riêng với tài sản là động sản, quyền sở hữu của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài gốc Việt Nam được bảo hộ ở mức cao hơn. Ví dụ trường hợp tài sản đó không có người quản lý hợp pháp (như cha mẹ đẻ, con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp) thì theo Thông tư 46/TTg ngày 18/4/1962 của Thủ tướng Chính phủ được xử lý như sau: Với vật gia bảo, vật thờ cúng, vật quý hiếm hoặc đồ vật thuộc kỷ niệm sẽ được cất giữ và bảo quản để trả lại cho chủ sở hữu khi họ trở về. Các đồ dùng gia đình khác được bán đấu giá và số tiền đó được gửi vào ngân hàng để trả lại cho chủ sở hữu khi họ trở về.
– Trong thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, rất nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài sinh sống, để lại nhà cửa trong nước. Nay tài sản của họ được giải quyết thế nào?
– Đây là vấn đề hóc búa và rất nhạy cảm ở Việt Nam. Liên quan đến nó có rất nhiều quy định pháp luật điều chỉnh, cụ thể như sau:
1. Đối với nhà đất đã bị Nhà nước quản lý và bố trí sử dụng theo chính sách cải tạo về nhà ở (theo Nghị định số 19/CP ngày 29/06/1960, Nghị định số 24/CP ngày 13/2/1961 của Hội đồng Chính phủ áp dụng đối với các tỉnh phía Bắc, Quyết định số 111/CP ngày 14/04/1977 và Quyết định số 305/CP ngày 17/11/1977 của Hội đồng Chính phủ áp dụng với các tỉnh phía Nam), thì thuộc sở hữu Nhà nước.
Đối với nhà đất thuộc diện cải tạo như nêu trên, nhưng cho đến ngày 01/07/1991 mà Nhà nước chưa làm thủ tục quản lý và thực tế cũng chưa quản lý, thì Nhà nước công nhận quyền sở hữu của chủ nhà, nếu nhà không phải là nhà vắng chủ (Điều 1 Quyết định 297/CT ngày 02/10/1991).
2. Đối với nhà vắng chủ do Nhà nước quản lý theo quy định của Nghị định số 19/CP ngày 29/06/1960, Nghị định số 24/CP ngày 13/02/1961, Quyết định số 01/07/1991 thì thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (Điều 3 Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991).
3. Đối với những người xuất cảnh hợp pháp, họ có thể bán nhà hoặc giao cho người khác quản lý, tức là chuyển giao quyền sở hữu cho người khác theo hợp đồng, hoặc chuyển giao quyền quản lý mà vẫn bảo toàn quyền sở hữu của mình.
Trừ trường hợp nhà của họ thuộc diện cải tạo theo Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 và Quyết định 305/CP ngày 17/11/1977, thì họ phải giao cho Nhà Nước quản lý trước khi xuất cảnh (Điều 5 Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991).
4. Đối với nhà thuộc quyền sở hữu của người xuất cảnh không hợp pháp mà người đó không có ít nhất 01 người trong số cha mẹ, vợ hoặc chồng hoặc con mình đang sống hợp pháp tại nhà đó, thì bị bất động sản được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Trong trường hợp có ít nhất một người thuộc các đối tượng nói trên sống hợp pháp tại nhà của người xuất cảnh trái phép, thì tùy theo từng trường hợp mà Nhà nước cho phép họ được sở hữu một phần hoặc toàn bộ nhà đang ở (Điều 6 Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991).
Tôi được biết những vấn đề trên đang được Ủy ban Thường vụ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng này để thông qua một nghị quyết nhằm giải quyết những tồn đọng về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ở mức độ nào đó, quyền về với tài sản trong nước của kiều bào sẽ được bảo hộ ngày càng cao hơn.
Nghĩa Nhân