Hoa lăng tiêu làm thuốc

đ
Tác dụng chữa bệnh của hoa lăng tiêu đã được ghi trong nhiều sách cổ.
Lăng tiêu là một loài hoa đẹp, có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta. Người ta quý lăng tiêu vì có thể trồng thành giàn lấy bóng mát. Hoa tuy không thơm nhưng có màu cá vàng, mọc thành từng chùm, rũ xuống rất đặc sắc. Ngoài giá trị làm cảnh, lăng tiêu hoa còn là một vị thuốc độc đáo.
Vào tháng 6-8 hàng năm, khi hoa lăng tiêu nở rộ, dân gian thường hái những bông hoa đã nở hết cỡ, đem phơi trong bóng râm hoặc sao khô bằng lửa nhỏ để tích trữ dùng dần. Rễ và cành được thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch thái phiến, sao thơm.
Theo Đông y, lăng tiêu vị chua tính lạnh, hoa có công dụng làm mát huyết, chống ứ. Rễ và cành có công dụng trừ phong hoạt huyết, tiêu thũng giải độc. Lá có công dụng tiêu thũng giải độc chủ trị ung thũng. Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
– Viêm dạ dày ruột cấp tính: Rễ lăng tiêu 30 g, gừng tươi 3 lát, sắc uống hằng ngày.
– Lỵ cấp tính, viêm gan vàng da: Rễ và lá lăng tiêu mỗi thứ 15 g, sắc uống.
– Đại tiện ra máu tươi: Hoa lăng tiêu ngâm rượu uống.
– Đau bụng nổi cục do co thắt dạ dày, ruột: Hoa lăng tiêu 60 g, đương quy 30 g, nghệ đen 30 g. Tất cả sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 g.
– Chảy máu cam: Hoa lăng tiêu rửa thật sạch, nghiền nát, vắt lấy nước cốt, nhỏ mũi.
– Trứng cá đỏ: Hoa lăng tiêu, mật đà tăng lượng vừa đủ, sấy khô tán bột, bôi vào nơi tổn thương hoặc dùng hoa lăng tiêu 9 g, chi tử 9 g tán bột uống hằng ngày.
– Bế kinh: Hoa lăng tiêu khô tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 g với nước cơm ấm. Hoặc hoa lăng tiêu 12 g sắc kỹ lấy nước bỏ bã, hòa thêm 12 g a giao nướng phồng, uống cùng một chút rượu vang.
– Kinh nguyệt không đều: Hoa lăng tiêu 9 g, hoa hồng 9 g, ích mẫu thảo 15 g, đan sâm 15 g, hồng hoa 6 g, sắc uống.
– Khí hư: Rễ lăng tiêu tươi 30 g, đại kế tươi 15 g, trứng gà 1 quả, sắc kỹ, uống nước ăn trứng.
– Rong kinh: Hoa lăng tiêu khô tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 3-6 g với nước ấm hoặc rượu nhạt.
– Viêm loét âm đạo: Hoa lăng tiêu lượng vừa đủ, sắc lấy nước ngâm rửa.
– Trẻ em đi lỏng: Rễ hoặc lá lăng tiêu tươi 9-15 g, vỏ gừng 1,5 g, sắc uống.
– Nấm da: Hoa lăng tiêu tươi 60 g, rễ tươi 30 g, lá tươi 15 g. Tất cả giã nát đắp lên tổn thương.
– Rắn cắn: Rễ lăng tiêu tươi 125 g sắc với rượu uống. Bên ngoài dùng rễ tươi giã nát đắp vào vết cắn.
– Bỏng: Rễ lăng tiêu lượng vừa đủ, mài với nước thành dạng hồ rồi đắp vào tổn thương, mỗi ngày 3-4 lần.
– Gãy xương: Vỏ rễ lăng tiêu tươi và vỏ rễ thanh táo (tiếp cốt thảo nam) lượng bằng nhau, giã nát, sao nóng với rượu, để nguội bớt rồi bó vào chỗ xương gãy.
– Bong gân: Dùng lá hoặc hoa lăng tiêu tươi 2 phần, tôm đồng tươi 1 phần. Hai thứ giã nát, sao nóng, đắp vào nơi tổn thương.
Những người có thể chất suy nhược, khí huyết hư yếu và phụ nữ có thai không được dùng lăng tiêu.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống 

Close [X]
1gom
1gom