Áo blu trắng vẫn ’vượt rào’ bệnh viện

Bác sĩ mặc áo blu ra ngoài bệnh viện
Bác sĩ mặc áo blu ra ngoài cổng bệnh viện Ảnh: Lê Thanh

Dạo qua khu vực cổng các bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, nhiều hàng quán lấp ló vài người đứng, người ngồi trong màu áo blu trắng. Trên áo họ lấp ló bảng tên, thẻ nhân viên. Có vị khéo léo vắt hoặc cuộn tròn áo trên tay, lững thững qua cổng bệnh viện.
Anh Hưng, chủ xe bán thuốc lá hằng ngày đứng ở cổng bên Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, dãy phố này có nhiều hàng ăn ngon nên các bác sĩ, y tá bệnh viện thường ra đây ăn sáng, uống cà phê. Có người trông như vừa đi từ… phòng mổ ra, dáng vẻ mệt mỏi trong bộ quần áo đặc trưng nhân viên y tế.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nguyên tắc tối thiểu về đảm bảo vô trùng và bảo hộ lao động bắt buộc nhân viên y tế mặc áo blu trắng (xanh) trong khu vực làm việc. Nếu ra khỏi môi trường này, họ phải cởi bỏ áo hoặc thay trang phục khác, tránh những lây nhiễm từ bên ngoài có thể bám vào áo và ngược lại. Hiện Bộ chưa có chế tài xử lý nên giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm nội bộ. Mức phạt từ cảnh cáo trước cơ quan đến cắt tiền thưởng.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ lâu bệnh viện đã quy định thành điều cấm “Việc mặc áo blu ra ngoài khuôn viên bệnh viện không đảm bảo vệ sinh vì người mặc áo chuyên môn tiếp xúc với nguồn bệnh, sau đó lại la cà, hút thuốc ở quán, mang yếu tố bệnh lý ra ngoài. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý, kỷ luật”, bà Ánh nói. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận hiện tượng trên vẫn xảy ra vì những nguyên do tâm lý “tiện lợi”: chẳng hạn do khu dịch vụ ăn uống trong bệnh viện ồn ào, chất lượng chưa đáp ứng được đòi hỏi của cán bộ công chức, hoặc do bệnh viện quá rộng, nên để uống được cốc nước nhiều người thà ra ngoài hơn là đi cả chặng đường đến căng tin.
Ngoài lý do cá nhân, nhân viên y tế mặc đồng phục đi lại ngoài bệnh viện còn vì bất khả kháng, khi khoa điều dưỡng, phòng khám và khuôn viên chính bệnh viện hoàn toàn tách biệt. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng ngày, từng đoàn y sĩ vẫn nối nhau đi bộ vài chục mét từ cổng nọ sang cổng kia, lấn át vỉa hè vốn đã rất lộn xộn. Còn Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, dù nằm trong khuôn viên bệnh viện nhưng khu vực phòng khám và khu vực điều trị bị cắt đôi bởi đường Cống Quỳnh hai chiều. Nhân viên y tế, người đẩy xe, người bê hộp dụng cụ ngày ngày phải băng qua đường để sang khu vực khám. 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, khá nhiều bệnh viện trong thành phố gặp rắc rối này. “Ở chỗ chúng tôi, nếu bắt bác sĩ phải thay áo chỉ để sang đường thì rất bất tiện, nhất là khi có trường hợp nạo thai gặp tai biến, phải chuyển gấp sang phòng cấp cứu bên kia đường”, bà Phượng nói. Để giải quyết, bệnh viện này sẽ xây cầu vượt kín trên cao, ngăn cách môi trường bên ngoài bằng kính, có mái che nối liền hai khối bệnh viện để nhân viên và bệnh nhân qua lại, tránh lây nhiễm.
Tuy nhiên, thực tế không chỉ ở ngoài cổng mà nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện cũng rất lớn. Nhân viên y tế chỉ mặc một bộ quần áo di chuyển từ khoa này sang khoa khác (thậm chí khoa lao phổi, lây, truyền nhiễm), ngồi giải lao ở vườn hoa, vào nhà ăn, đi… toilet cả trước và sau khi thăm khám bệnh nhân. Nguy cơ truyền nhiễm do thân nhân người bệnh đem từ ngoài vào, không mặc đồng phục, tiếp xúc với y bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân cũng đáng lo ngại.
Lê Thanh
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này?

1gom