Các bộ trưởng kinh tế ASEM có ấn tượng tốt với hàng Việt Nam

Sáng nay (10/9), đại biểu 15 nước EU và 10 nước châu Á đã đi thăm hội chợ chào mừng Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và ASEAN, tổ chức tại Trung tâm Triển lãm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
10h, các vị bộ trưởng và quan chức thương mại, kinh tế bắt đầu chuyến đi, lần lượt thăm hơn 250 gian hàng của hội chợ. Mỗi vị dường như đều có mối quan tâm riêng. Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương Pháp, Francois Huwart, dừng chân khá lâu ở gian hàng hoa quả, chăm chú lắng nghe phiên dịch chỉ dẫn về tên từng thứ quả – đu đủ, na, thanh long… Còn Bộ trưởng Ngoại thương Phần Lan Kimmo Sasi lại nán lại ở gian trưng bày của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, hỏi người phụ trách rất tỉ mỉ về đủ mọi vấn đề như sản lượng hàng năm của công ty, các dự án đang triển khai, nhất là dự án liên doanh với nước ngoài.
Ông Kimmo Sasi cho phóng viên VnExpress biết, lần đầu tiên được trực tiếp tham dự một hội chợ ở Việt Nam, ông có ấn tượng mạnh với hàng may mặc và thủ công. Thực tế, ông đã có dịp dùng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” ở Phần Lan nhưng sự xuất hiện của chúng vẫn còn hết sức lẻ tẻ. Phần Lan đã đặt một văn phòng đại diện thương mại ở Hà Nội nhằm thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương Pháp là người “hên” nhất trong các quan chức – ông được các nhà tổ chức tặng hẳn một bức tranh ghép bằng tre rất tinh xảo, dù theo phán đoán của cánh báo chí, có lẽ ông thích một ống để bút bằng gỗ hơn. Vì là vị bộ trưởng đầu tiên bước vào hội chợ, nên ông Huward trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Ban tổ chức cử riêng hai người thuyết minh đi theo ông.
Trao đổi với phóng viên VnExpress, Quốc vụ khanh Huwart cho rằng mậu dịch giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều bước tiến tích cực, tuy nhiên, cán cân thương mại Pháp -Việt vẫn còn chênh lệch (Việt Nam nhập siêu). So với một số nước châu Á khác, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có mặt nhiều trên thị trường Pháp.
Các bộ trưởng và quan chức đều chú ý đến đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ và hàng nông nghiệp. Theo bà Lynne Zafiropoulos, để các sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng vững hơn ở thị trường Hy Lạp, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo, tiếp thị, nhất là với những mặt hàng có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ hoặc hàng may mặc. Đây là ý kiến chung của các bộ trưởng, quan chức trong đoàn. Họ khẳng định nếu có chiến dịch khuếch trương tốt, hàng hoá của Việt Nam sẽ được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Bá Thuỳ

1gom