Doanh nghiệp đầu tiên hủy niêm yết cổ phiếu

Một lý do khác được đưa ra là Công ty Du lịch Tây Ninh (hiện sở hữu 51% vốn của Nhà nước tại CaTour) đang chuẩn bị cổ phần hóa, nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn Nhà nước và nhân sự chủ chốt trong Hội đồng quản trị của CaTour.
Theo giải thích của vị đại diện Catour, một trong những điều kiện niêm yết là thành viên hội đồng quản trị phải cam kết nắm giữ ít nhất 50% số cổ phiếu mình đại diện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày niêm yết. Hiện Hội đồng quản trị Catour gồm 5 người, trong số đó có 2 thành viên là người của Công ty Du lịch Tây Ninh cử sang đại diện cho 51% vốn Nhà nước tại Catour và một trong 2 thành viên này là Chủ tịch Hồi đồng quản trị của Catour.
Tuy nhiên, xét trên quyền lợi tổng thể của Công ty thì lý do trên chưa đủ lớn để Công ty phải chấp nhận huỷ niêm yết. Thực tế, việc niêm yết không hề cản trở hay gây khó khăn gì đến quá trình xác định lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay thay đổi thành viên hội đồng quản trị, mà thậm chí, còn tạo điều kiện để hai công việc này được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện hơn. Về trách nhiệm nắm giữ cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, Khoản 6, Điều 1, Thông tư 59/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rằng: “Các cổ đông là thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát phải cam kết nắm giữ ít nhất 50% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 3 năm kể từ ngày niêm yết, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ”.
Bình luận về vụ việc này, một thành viên sáng lập Catour chia sẻ, việc chấp nhận huỷ niêm yết như vậy là thiệt thòi lớn với những người như ông. Ông cho biết, để được cấp phép niêm yết, Công ty đã phải bỏ ra không ít công sức, tiền bạc và thời gian, nay đến ngày “hái quả” thì kế hoạch bỗng thay đổi hoàn toàn.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đề nghị của Công ty CaTour khó được chấp nhận, vì theo quy định hiện hành, chỉ có việc xét cấp phép niêm yết hoặc bãi yết chứ không có quy định “tạm hoãn niêm yết”. Cartour được cấp phép ngày 21/9 và theo quy định, thời hạn cuối cùng để lên niêm yết là 21/12.
Trước đó, do chưa rõ ràng về chế độ ưu đãi thuế, Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng đã xin tạm hoãn niêm yết. Tuy nhiên, Uỷ ban Chứng khoán đã bác đề nghị này và cuối cùng, SFC đưa cổ phiếu lên niêm yết đúng thời hạn.
Với việc chấp nhận bị huỷ niêm yết, Catour là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên quyết định “bước lùi” ra khỏi thị trường. Sự kiện này không những làm cổ đông của công ty bị hụt hẫng, mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng khó yên lòng, bởi tính từ đầu năm đến nay, mới có thêm 5 doanh nghiệp chính thức được cấp phép niêm yết (Hoá An, Bông Bạch Tuyết, Nhiên liệu Sài Gòn, Kinh đô miền Bắc và Catour). Với việc Catour rút khỏi danh sách, 4 doanh nghiệp còn lại càng không thể tạo nên bước đột phá về quy mô như chỉ đạo mà người đứng đầu ngành tài chính đưa ra trong cuộc họp bàn giải pháp phát triển thị trường chứng khoán diễn ra hồi đầu năm nay.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

1gom