Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã ra đi

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ TP HCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ viếng bắt đầu từ 16h30’ ngày 5/12. Lễ truy điệu vào lúc 8h30’ ngày 7/12, an táng tại Nghĩa trang Thành phố.
Ông sinh ngày 22/5/1919, tại Thừa Thiên – Huế, là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc VN. 9 tuổi, ông học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách Pháp. Năm 1936, tốt nghiệp Trung học Quốc học Huế, ông viết Trên sông Hương, cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế. Năm 1939, ông đi học ở Hà Nội, ông viết Đêm đông vào thời điểm này. Năm 1942 tại Sài Gòn, ông cho ra đời Bướm hoa. Sau đó, một số tác phẩm giai đoạn kháng chiến chống Pháp như Bình Trị Thiên khói lửa, Bài ca trên núi xuất hiện. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn nổi tiếng trong lĩnh vực khí nhạc với các tác phẩm Lý hoài nam (độc tấu sáo trúc), Buôn làng vào hội, Quê hương. Đặc biệt là những tác phẩm khí nhạc lớn sau khi đi tu nghiệp ở Cộng hoà dân chủ Đức về như Ngày hội non sông (độc tấu sáo trúc và bộ gõ), Rhapsody số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho violoncelle và piano, đặc biệt là Thơ giao hưởng Đồng khởi. Ông nguyên là giám đốc đoàn ca múa nhạc Việt Nam, giám đốc Nhạc viện Hà Nội.Nhưng có lẽ tác phẩm đã đi sâu vào tâm khảm những người yêu nhạc là Đêm đông. Khi viết tác phẩm này, ông mới 20 tuổi. Một chàng sinh viên nghèo xác, đêm ba mươi không có tiền về quê ăn tết, đi lang thang trong cái lạnh Hà Nội, với bộ quần áo cũ và đôi giày tây rộng thùng thình. Chàng trai chỉ đủ tiền ăn ổ bánh mì, dạo qua phố Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội bấy giờ, mong tìm một chút ấm lòng giữa khu phố dập dìu đó. Thế nhưng, ngay cả khu phố nhộn nhịp mọi đêm thì hôm ấy cũng vắng ngắt. Một cô đào nghe tiếng loẹt quẹt trên đường, chạy ra đưa mắt nhìn rồi chán nản quay vào, khiến chàng trai chỉ còn kịp thấy phản chiếu trong gương một cánh tay trần trắng xanh xao. Buồn và chán bản thân, anh quay về gác trọ. Giữa tiếng gió lạnh gào rú bên ngoài, nhạc sĩ ngồi viết. Viết một mạch xong Đêm đông, từ thân phận mình, cảm thân phận người. Bài hát lặp lại mãi từ đêm đông, điệp lại mãi sự điên cuồng của gió.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

1gom