Số phận các hợp đồng dầu mỏ giữa châu Á và Iraq

6 năm nay, nhiều công ty châu Á đã ký hợp đồng khai thác dầu với Baghdad. Vì vậy, tên của họ nằm trong danh sách những nhà kinh doanh lớn hoạt động tại quốc gia vùng Vịnh, mà đa số mang quốc tịch Pháp, Nga. Những công ty này được lợi nhờ các đối thủ lớn không thể tham gia chạy đua giành hợp đồng do lệnh trừng phạt.
Theo báo cáo của Deutsche Bank, nhà chức trách Iraq đã trao hợp đồng vì những điều khoản ưu đãi: họ được nhận 20% lợi tức từ dự án. Amy Jaffe, cố vấn cao cấp về năng lượng tại Viện Chính sách Công cộng James A. Baker (Texas), cho rằng, Baghdad ký thoả thuận với những nước hoặc công ty nhà nước của những quốc gia mà họ có thể nhận được phiếu ủng hộ tại Liên Hợp Quốc.
“Nhiều công ty châu Á giành được mối làm ăn với Iraq vì các hãng của Mỹ, Anh không tham gia cuộc đua”, Iain Brown, thuộc hãng tư vấn dầu khí Wood Mackenzie (Scotland), nhận định. Ông cho rằng các công ty Á châu đã chia nhau chiếc bánh đáng giá trong lĩnh vực dầu mỏ. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính Iraq có trữ lượng 112 tỷ thùng dầu, đứng thứ hai thế giới sau Ảrập Xêút (220 tỷ thùng). Tiềm năng thực tế thậm chí còn lớn hơn, vì nhiều năm chiến tranh và trừng phạt làm nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của quốc gia vùng Vịnh chưa được khai thác đáng kể.
“Người ta đặt dấu hỏi lớn về giá trị các thoả thuận đó một khi chế độ thay đổi”, Paul Stevens, giáo sư chính sách dầu mỏ và kinh tế tại Trung tâm Luật và Chính sách Năng lượng, Dầu mỏ, Khoáng chất ở Scotland, nói. “Chúng có được tôn trọng không? Bản năng của tôi cho là không. Ai muốn dùng công nghệ dầu mỏ của Nga, Trung Quốc trong khi BP, Exxon hay Shell đã sẵn sàng? Iraq sẽ tìm cách rút khỏi những thoả thuận đó, để những hãng dầu khí lớn có thể khai thác các giếng dầu của họ”.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng số phận những hợp đồng đó phụ thuộc vào nhân tố chính trị. Một chính quyền Iraq mới, khi đánh giá khả năng có tiếp tục cho các thoả thuận hoạt động hay không, có thể xem xét mối quan hệ giữa quốc gia xuất xứ của công ty đó với Saddam Hussein.
Theo Ủy ban Chính sách đối ngoại Mỹ, tính hợp pháp của những hợp đồng dầu khí ký kết với Iraq trong những năm gần đây sẽ phải được đánh giá lại. Cơ quan này cho rằng, có thể thiết lập trước một khung pháp lý chính thống để đánh giá các hợp đồng. Tuy nhiên, sự trì hoãn về luật pháp có thể ảnh hưởng đến chính phủ Iraq mới. Jaffe nói: “Thật là một bi kịch nếu người Iraq phải trải qua nhiều năm kiện tụng về những hợp đồng được ký bởi một chế độ không đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu”.
Valerie Marcel, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Những vấn đề Quốc tế Hoàng gia (Anh), cho rằng tương lai những thoả thuận này phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa Mỹ và những nước ủng hộ chính sách của Mỹ đối với Iraq. Quan hệ ngoại giao có thể đóng vai trò quan trọng. Một số nước có thể được lợi khi nền kinh tế Iraq mở cửa với đầu tư nước ngoài.
Về phần mình, chính phủ Mỹ rất băn khoăn khi tỏ ý muốn khai thác dầu của Iraq. Hồi tháng giêng, Ngoại trưởng Colin Powell cho biết khi thắng lợi, Mỹ sẽ kiểm soát dầu dưới sự uỷ thác của người dân sở tại. Một quan chức cấp cao nói: “Nếu Washington tìm cách chiếm dầu của Iraq, nhân dân bản địa sẽ oán giận vì ý thức dân tộc”.
Còn Brown, thuộc Wood Mackenzie, nhận định: “Các công ty Mỹ khó có thể vào đất Iraq và hất cẳng các doanh nghiệp châu Á”. Những nhà nghiên cứu ngành dầu mỏ cho rằng có rất nhiều kịch bản. Iraq có thể quyết định tự phát triển những giếng dầu mới mà không cần sự giúp đỡ của nước ngoài. Các công ty cũng có thể tự đàm phán với nhau. Hay, họ có thể thiết lập quan hệ đối tác mới với những tập đoàn khổng lồ nhiều vốn về dầu mỏ.
Bản thân các công ty châu Á cũng có suy nghĩ riêng. Mohamad Harun, đại diện Pertimina (Indonesia), nói: “Người Iraq muốn hợp đồng này. Hợp đồng đã được Quốc hội Iraq thông qua. Tất nhiên, nó phải được tôn trọng. Chúng tôi không lo gì cả”.
Nguyễn Hạnh (theo FEER)

Close [X]
1gom
1gom