Trước hết, người ta có thể dễ nhận thấy tầm quan trọng qua việc hầu hết các nước trên thế giới, từ Nga, Mỹ – những cường quốc vũ trụ duy nhất trước thời điểm này, đến các nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và cả Tổng thư ký LHQ đều lên tiếng chúc mừng và coi đây là một bước thành công nữa “của nhân loại trên con đường chinh phục không gian” (K. Annan).
Về mặt đối nội, sự kiện này hoàn toàn có thể được gắn kết với việc thể chế Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo khẳng định quyền lãnh đạo ở Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 3. Theo như những dự đoán ban đầu, tại buổi phóng tàu vũ trụ sẽ có mặt cả ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân. Nhưng đến phút cuối, ông Giang Trạch Dân đã không có mặt, mặc dù ông vẫn đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước đã hết sức quan tâm và thúc đẩy chương trình vũ trụ tốn kém của Trung Quốc. Thành công này cũng là một quân bài nhằm xoa dịu những tai tiếng của chính quyền qua các vụ việc mới đây như dịch bệnh SARS, “vụ án Tôn Chí Cương”, một sinh viên ba không (không chứng minh thư, không chứng nhận việc làm, không giấy tạm trú) bị giam giữ và đánh chết.
Ở cấp độ quốc tế, sự kiện này đã đưa Trung Quốc thực sự bước vào sân chơi của các nước lớn. Bất kể những cố gắng của ngoại giao Trung Quốc trong những năm vừa qua, vai trò của Trung Quốc trong các thể chế quốc tế còn rất mờ nhạt. Người ta ít thấy tiếng nói của Trung Quốc trong các vụ việc quan trọng như Palestine, Iraq. Nếu có cũng chỉ là những lập trường hết sức trung dung không mang tính cam kết. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là hồ sơ Bắc Triều Tiên. Thế nhưng với việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, Trung Quốc đã vượt qua mặt Pháp cho dù chính quyền nước này rất nỗ lực trong vụ việc Iraq vừa qua, trong khi nước Anh, một thành viên thường trực khác của HĐBA, đang theo đuổi chính sách thân Mỹ. Sân chơi mới sẽ chỉ bao gồm ba nước la Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, việc Trung Quốc thành công trong cố gắng đưa người vào không gian sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp công nghiệp không gian của nước này cạnh tranh với các đối thủ khác. Trung Quốc đang hy vọng với sự thành công của chương trình không gian mang tên “Dự án 921” thực hiện từ năm 1992 với sự tham gia của hơn 3.000 nhà máy và hàng chục nghìn chuyên gia tiêu tốn 2 tỷ USD mỗi năm, Trung Quốc sẽ giành được thị phần đáng kể trên thị trường không gian đang rất sôi động.
Về khía cạnh quân sự, theo các chuyên gia thì Thần Châu 5 hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Chuyến bay tiếp theo sẽ có thể kèm theo các hoạt động quay phim, chụp ảnh không gian giúp Trung Quốc tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo. Tàu Thần Châu 5 cũng sẽ là con bài quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với quân đội Mỹ, người vừa giành chiến thắng ở Iraq nhờ khống chế hoàn hảo không gian bằng hệ thống vũ trụ. Đối với Trung Quốc, kẻ yếu hơn trong cuộc đụng đầu có thể diễn ra với Mỹ, lựa chọn tốt nhất sẽ là trực tiếp tấn công vào hệ thống thông tin, liên lạc vũ trụ của Mỹ.
Ở mặt này cần đặt sự kiện đang xem xét trong bối cảnh những cải cách hết sức sâu rộng trong quân đội Trung Quốc kể từ sau chiến tranh lạnh. Sau chiến tranh lạnh, với sự tan rã của Liên Xô, Trung Quốc không còn chịu sự đe doạ xâm lược từ bên ngoài. Sức mạnh quân đội Trung Quốc tập trung vào giải quyết vấn đề Đài Loan và biển Đông và một phần vào các tranh chấp biên giới trên bộ với các nước láng giềng. Từ giữa những năm 80, Trung Quốc chuyển từ chiến lược “chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân lớn và sớm” sang “chuẩn bị cho chiến tranh cục bộ, quy mô hạn chế”. Sau chiến tranh lạnh, chiến lược của quốc phòng của Trung Quốc là “phòng thủ tích cực”. Trên cơ sở đó, một mặt, Trung Quốc chuyển đổi lại bố trí chiến lược quân sự chuyển trọng tâm phòng ngự chiến lược từ ba hướng cũ Đông Bắc, Tây Bắc, Hoa Bắc (nhằm vào Liên Xô, Mông Cổ, Nhật Bản) sang ba hướng mới Đông (Nhật Bản, Đài Loan), Nam (biển Đông) và Tây Nam (Ấn Độ).
Mặt khác, Trung Quốc tích cực xây dựng quân đội theo hướng tinh nhuệ và hiện đại hoá. Trọng tâm của những cải cách là giảm biên chế lực lượng thông thường, tăng cường lực lượng tinh nhuệ, hiện đại hoá không quân và hải quân. Nhằm hiện đại hoá không quân và hải quân, từ năm 1992, Trung Quốc đã tích cực khởi động chương trình không gian, mua sắm máy bay chiến đấu hiện đại và máy bay tiếp dầu đảm bảo cho không quân Trung Quốc có thể hoạt động liên tục ở xa căn cứ (ở các khu vực tranh chấp tại biển Đông). Trọng tâm chương trình hiện đại hoá hải quân là chương trình đóng tàu sân bay, mua sắm tàu ngầm hạt nhân. Chương trình này có mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc đại dương có khả năng tác chiến tại các vùng biển xa lãnh hải Trung Quốc. Để đảm bảo thực hiện thành công những cải cách này, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong những năm cuối thể kỷ 20 đã tăng mạnh. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc công bố năm 1996 là 8,3 tỷ USD. Nhưng theo các chuyên gia quân sự thì con số này hoàn toàn không phản ánh sự thật. Con số thực ở vào khoảng từ 30-40 tỷ USD. Có nhiều dự báo đến năm 2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt mức 100 tỷ USD.
Vũ Hồng Hà