Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học [3/4]

Jauss, Hans Robert – 
8
Đây là quá trình đi từ lịch sử tiếp nhận các tác phẩm đến lịch sử sự kiện của văn học trong đó sự tiếp nhận thụ động của người đọc và nhà phê bình chuyển hóa sang sự tiếp nhận năng động và sự sáng tạo mới của nhà văn, hoặc – từ điểm nhìn khác – trong đó tác phẩm mới vừa giải quyết những vấn đề hình thức và đạo đức được nêu lên qua tác phẩm trước nó lại vừa đặt ra những vấn đề mới.
Làm thế nào để có thể đưa trở lại trật tự lịch sử từng tác phẩm văn học và lại giải thích chúng như là “sự kiện” mà lịch sử văn học thực chứng xem như đã được quyết định trong trật tự thời gian và qua đó tầm thường hóa chúng thành “sự thật”? Lý luận của trường phái hình thức – như chúng tôi đã nhắc đến – muốn giải quyết vấn đề này bằng nguyên lý “sự phát triển văn học”: tác phẩm văn học ra đời trong môi trường của các tác phẩm có trước hoặc cùng thời gian, như là hình thức thành công nó đạt tới “đỉnh cao” của thời kỳ văn học nói đến, người ta bắt đầu bắt chước và ngày càng tự động hóa nó cho đến khi một hình thức mới hơn chiến thắng, nó vẫn tiếp tục ngắc ngoải cái đời sống thường nhật trong văn học như là thể loại đã cũ kỹ. Nếu chúng ta phân tích và mô tả một thời kỳ văn học theo cái chương trình còn ít được vận dụng này thì có thể có cái nhìn thấu suốt, vượt lên lịch sử văn học truyền thống xét từ nhiều quan điểm: nó đưa vào mối liên kết lẫn nhau hàng loạt các tác phẩm xếp cạnh nhau rời rạc, khép kín, có chăng chỉ liên kết với một loại sơ đồ lịch sử nói chung – hàng loạt các tác phẩm của một tác giả, một trường phái, hoặc một trào lưu phong cách nhất định -, và mở ra “sự tác động tương hỗ có tính cách mạng của các chức năng và các hình thức”. Như vậy, các tác phẩm văn học xuất sắc, phù hợp hoặc thay thế nhau xuất hiện như là những yếu tố của một quá trình không cần phải kiến tạo một cách có mục đích, bởi vì qua sự “tự tạo biện chứng của những hình thức mới”, quá trình này không phải cần đến bất kỳ loại thần học nào cả. Hơn nữa, tính năng động riêng của sự phát triển văn học biết tránh sự khó xử của những chuẩn cứ lựa chọn, điều cơ bản ở đây là: tác phẩm văn học như là hình thức mới xuất hiện trong hàng loạt tác phẩm văn học, và việc tái tạo lại những hình thức, những công cụ nghệ thuật và các thể loại đã cũ trở thành thứ yếu, vì chúng lặng lẽ chờ đợi yếu tố mới của sự phát triển sẽ lại làm cho chúng trở nên “có thể quan sát được”. Rốt cuộc thì trong lịch sử văn học theo trường phái hình thức cho mình là phát triển, loại bỏ mọi xu hướng mâu thuẫn với cách lý giải khái niệm thường thấy, tính chất lịch sử và tính chất nghệ thuật của tác phẩm văn học nhập làm một: ý nghĩa và tính chất “phát triển” của một hiện tượng văn học – giống như tuyên bố cho rằng chúng ta phải nhìn nhận tác phẩm văn học trong sự tác động tương hỗ với những tác phẩm khác – như là dấu hiệu phân biệt cơ bản đặt điều kiện cho yếu tố đổi mới. Tất nhiên lý thuyết hình thức về “sự phát triển văn học” là một trong những thể nghiệm có ý nghĩa nhất cho sự đổi mới lịch sử văn học. Việc nhận thức rằng những thay đổi lịch sử bên trong nền văn học cũng xảy ra trong hình thức hệ thống và thể nghiệm chức năng hóa sự phát triển văn học cùng với lý thuyết tự động hóa là kết quả mà chúng ta cần phải thừa nhận kể cả khi cái làm nên quy luật một phía của sự thay đổi buộc phải sửa đổi. Giới phê bình đã chỉ ra đầy đủ những yếu kém của lý thuyết phát triển hình thức: sự mâu thuẫn hay biến thể thẩm mỹ không đủ để giải thích sự sinh sôi nẩy nở của văn học, về hướng thay đổi của các hình thức văn học vẫn không được trả lời; sự đổi mới tự nó không cân bằng với tính chất nghệ thuật, và chúng ta cũng không thể chấm dứt mối quan hệ giữa sự phát triển của văn học và sự thay đổi xã hội chỉ qua sự phủ nhận. Luận điểm số 10 của tôi sẽ trả lời cho vấn đề cuối cùng, còn vấn đề khác cho thấy sự cần thiết phải làm cho cái lý thuyết mô tả của các nhà hình thức trở nên cởi mở về mặt mỹ học tiếp nhận, theo hướng kinh nghiệm lịch sử. Việc này phải bao gồm trong nó tình thế lịch sử của nhà nghiên cứu lịch sử văn học, người quan sát của hiện tại.
Việc xác định sự phát triển của văn học với việc mô tả nó như là cuộc chiến không ngừng giữa cái cũ và cái mới, hoặc như là sự thay thế của việc chuẩn hóa và tự động hóa của các hình thức, chỉ làm bó hẹp tính chất lịch sử của văn học ở việc hợp thời hóa những thay đổi của nó và làm hạn chế quan niệm lịch sử ở sự nhận ra các lựa chọn. Nhưng những thay đổi của văn học chỉ hợp thành sự tiếp nối lẫn nhau của lịch sử, nếu mâu thuẫn của hình thức cũ và mới cũng làm cho vai trò chuyển tiếp của chúng có thể được nhận ra. Sự chuyển tiếp này bao quát bước chuyển từ hình thức cũ đến hình thức mới trong sự tác động tương hỗ giữa tác phẩm và người tiếp nhận (công chúng, nhà phê bình và người sáng tạo mới) cũng như giữa sự kiện quá khứ và sự tiếp nhận theo nó. Về mặt phương pháp luận có thể nắm bắt vai trò chuyển tiếp đó trong vấn đề hình thức và nội dung mà “tất cả các tác phẩm đều nêu lên rồi bỏ lại sau nó như là tầm nhìn” của những giải pháp “còn có thể”. Sự mô tả thuần túy cái cấu trúc đã thay đổi của một tác phẩm hay những công cụ nghệ thuật mới đều không đưa trở lại vấn đề này và với nó là vai trò tham gia vào dòng lịch sử. Để xác định được vấn đề tồn đọng sẽ được tác phẩm tiếp theo trả lời trong dòng lịch sử thì người giải thích cũng cần phải vận dụng kinh nghiệm riêng của mình, bởi vì hình thức cũ và mới, tầm nhìn quá khứ của vấn đề và giải pháp chỉ có thể tái nhận biết trong hình thức tiếp tục chuyển tiếp, trong tầm nhìn hiện tại của tác phẩm được tiếp nhận. Lịch sử văn học có quan niệm về sự “phát triển văn học” lấy quá trình lịch sử của sự tiếp nhận thẩm mỹ và sự sáng tạo làm điều kiện để cho mọi sự đối lập hình thức hoặc “phẩm chất khác biệt” có thể chuyển tiếp được.
Với việc đó, sự xác lập mỹ học tiếp nhận không chỉ giúp sự phát triển văn học trở lại đúng hướng đã mất – nếu như nó đặt vị trí nhà nghiên cứu lịch sử văn học thành điểm hướng tới của quá trình (nhưng không phải là mục đích) -, mà nó còn cho một cái nhìn chớp nhoáng vào chiều sâu thời gian của những kinh nghiệm văn học khi nó lưu ý đến cái khoảng cách thay đổi giữa nghĩa thực tế và nghĩa tiềm năng của tác phẩm văn học. Điều này có nghĩa là tính chất nghệ thuật của một tác phẩm văn học – mà tiềm năng nghĩa của nó bị chủ nghĩa hình thức bó hẹp ở tính chất đổi mới như là chuẩn cứ giá trị duy nhất – không phải lúc nào cũng có thể nhận ra ngay lập tức trong lần xuất hiện đầu tiên của nó; chưa nói đến việc không thể làm cạn kiệt tính chất nghệ thuật của một tác phẩm văn học trong sự đối lập hoàn toàn giữa hình thức cũ và mới. Cái khoảng cách giữa sự tiếp nhận đầu tiên và các nghĩa tiềm năng của một tác phẩm văn học – hay nói cách khác, cái trở lực mà một tác phẩm mới vấp phải vì sự mong đợi của công chúng đầu tiên – có thể mang chiều kích mà phải ở cuối quá trình tiếp nhận lâu dài mới mở ra được điều mà ở tầm đón đợi đầu tiên là ngẫu nhiên và không thể tiếp cận được. Trong khi đó có thể xảy ra việc người ta không nhận ra cái ý nghĩa tiềm năng của một tác phẩm cho tới lúc “sự phát triển của văn học” với một hình thức mới hơn mà vẫn không đạt tới tầm mở ra con đường để hiểu cái hình thức cũ, đã bị hiểu sai. Ví dụ, thơ trữ tình của Mallarmé và những người noi theo ông đã chuẩn bị trước cơ sở cho việc phát hiện lại thơ Baroque từ lâu đã bị lãng quên, nhất là cho sự tái lý giải và “phục sinh” khoa ngữ văn của Gongora. Chúng tôi có thể liệt kê những ví dụ cho thấy một hình thức văn học mới làm cho các tác phẩm văn học đã bị quên lãng trở nên có thể tiếp cận được như thế nào: thuộc loại này còn có những tác phẩm gọi là “phục hưng” – sở dĩ chúng “gọi là” vì nghĩa của từ gợi lên cái vẻ ngoài của sự trở lại độc lập, và thường bỏ qua cái sự thật là truyền thống văn học không thể truyền lại được chính nó; nghĩa là tác phẩm văn học chỉ có thể sống lại nếu một sự tiếp nhận mới đưa nó trở về hiện tại. Điều này có thể xảy ra bằng cách thái độ thẩm mỹ đã thay đổi nay hướng về quá khứ một cách có ý thức, hoặc là một nhân tố mới của sự phát triển văn học tình cờ soi sáng lên những tác phẩm đã quên và làm cho chúng ta thấy được trong chúng cái mà trước đây người ta đã không tìm kiếm.
Tức là “cái mới” không chỉ là phạm trù mỹ học. Không thể nói hết được về cái mới bằng những yếu tố đổi mới, bất ngờ, vượt lên, tập hợp và xa lánh mà trường phái hình thức chỉ cho là có ý nghĩa. Cái “mới” đồng thời là phạm trù lịch sử nếu chúng ta tiếp tục sự phân tích văn học theo phương pháp lịch đại với những câu hỏi rằng những yếu tố lịch sử như thế nào thì làm cho hiện tượng văn học mới trở thành mới; sự mới mẻ này có thể cảm nhận được đến mức nào ngay trong giây phút lịch sử mà nó xuất hiện; việc hiểu nội dung của nó đòi hỏi khoảng cách, con đường hay sự né tránh như thế nào; và phải chăng yếu tố cập nhật hóa hoàn toàn của nó có ảnh hưởng mạnh tới mức có thể làm thay đổi cách nhìn “cũ” cùng với những nguyên tắc văn học của quá khứ? Chúng tôi đã nói trong mối liên hệ khác rằng lý thuyết thi pháp và thực hành sáng tạo thẩm mỹ quan hệ như thế nào. Tất nhiên là với điều đó thì chúng tôi vẫn chưa khai thác hết những khả năng mà trong quá trình thay đổi lịch sử của quan niệm thẩm mỹ chúng thể hiện sự liên hệ lẫn nhau giữa sáng tạo và tiếp nhận. Mục đích hàng đầu của chúng tôi là phải soi sáng xem quan điểm lịch đại của văn học đi theo chiều nào một khi nó đã không muốn làm lẫn lộn cái trật tự niên đại của “các dữ kiện” văn học với văn học như là với hiện tượng lịch sử.
9
Những kết quả đạt được trong khoa học ngôn ngữ với sự phân biệt giữa phân tích đồng đại và lịch đại và sự liên kết về mặt phương pháp luận buộc chúng ta phải giở bỏ độc quyền của phương pháp lịch đại. Do triển vọng lịch sử tiếp nhận mỗi khi có sự thay đổi quan điểm thẩm mỹ đều bắt gặp những mối liên kết chức năng giữa việc hiểu các tác phẩm mới và các tác phẩm cũ, nên chúng ta cũng cần phải lấy mặt cắt đồng đại từ những yếu tố nhất định của sự phát triển; phải phân chia tính chất nhiều vẻ không đồng nhất của các tác phẩm xuất hiện trong cùng một thời gian ra những cấu trúc bình đẳng, mâu thuẫn và có thứ bậc. Cứ như vậy chúng ta phải mở ra cái hệ thống liên quan đến ý nghĩa xác định nền văn học của một giây phút lịch sử. Từ đây có thể phát triển một nguyên tắc mô tả của lịch sử văn học mới, nếu chúng ta nhấn mạnh những mặt cắt lịch đại “trước – sau” để chúng phải thể hiện, về mặt lịch sử, những yếu tố tạo thành thời kỳ của sự thay đổi cấu trúc văn học.
Tính chất ưu tiên của phương pháp lịch đại trong văn học sử đã bị Siegfried Kracauer nghi ngờ. Trong công trình Thời đại và lịch sử ông đã nghi ngờ sự cần thiết của lịch sử phổ quát (general history) trong việc mô tả mọi sự kiện của đời sống như là quá trình thống nhất và liên kết ở mọi thời khắc của thời gian lịch đại. Theo ông, quan niệm lịch sử này, – vẫn chưa thoát ra khỏi ma lực của khái niệm “tinh thần khách quan” của Hegel – cho rằng tất cả mọi sự việc xảy ra trong cùng một thời gian đều mang trên nó cái ý nghĩa của thời khắc và với điều đó nó làm mờ đi tính chất không đồng thời thật sự của những sự việc đồng thời. Tính chất nhiều vẻ của những sự kiện của một thời khắc lịch sử nhất định, theo quan niệm của nhà nghiên cứu lịch sử phổ quát, là sự thể hiện của một nội dung thống nhất, trong thực tế là vô số những đường cong thời gian rất khác nhau mà mỗi đường cong được quyết định bởi những quy tắc lịch sử đặc biệt (special history) của chúng. Điều này xuất hiện một cách trực tiếp ở điểm gặp gỡ của các loại lịch sử nghệ thuật, luật, kinh tế hoặc lịch sử chính trị: “Từng lĩnh vực đã khoanh vùng về mặt thời gian nổi lên từ quá trình thời gian đơn điệu. Vì thế có thể hình dung mọi thời kỳ lịch sử như là tổng số các sự kiện xuất hiện bất chợt trong những thời khắc khác nhau từ thời đại của chúng”.
Bây giờ chúng tôi không quan tâm đến câu hỏi: phải chăng nhận định này từ đầu giả thiết tính chất bấp bênh trực tiếp của lịch sử và qua đó cho rằng sự thống nhất của lịch sử phổ quát chỉ có được nhờ quan điểm tạo ra sự thống nhất và phương thức mô tả của các nhà viết sử. Chúng tôi cũng không quan tâm đến câu hỏi phải chăng sự nghi ngờ cấp tiến về “tính hợp lý của lịch sử” thật sự tước bỏ mất cái lý do tồn tại của lịch sử phổ quát, xét theo quan điểm triết học. Sự nghi ngờ đó đã được Kracauer xuất phát từ chủ nghĩa đa nguyên của tiến trình thời gian niên đại, thuộc về hình thái học, xây dựng thành sự mâu thuẫn lịch sử cơ bản chung và đặc biệt. Liên quan đến văn học, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng những quan điểm của Kracauer về “tính liền kề nhau của những sự việc đồng thời và không đồng thời” chẳng những không đưa nhận thức lịch sử đến chỗ khó giải quyết mà còn chỉ ra sự cần thiết và khả năng để chúng ta mở ra chiều kích lịch sử của các hiện tượng văn học bằng những mặt cắt ngang đồng đại. Những quan điểm của ông còn cho thấy sự hư cấu lịch đại của cái thời khắc để lại dấu ấn lên toàn bộ các hiện tượng cùng thời cũng không phù hợp với tính chất lịch sử của văn học giống như hư cấu hình thái học, theo đó từng hiện tượng nối tiếp nhau trong dòng văn học thuần nhất chỉ tuân thủ những quy tắc bên trong mà thôi. Phương pháp lịch đại thuần túy có thể giải thích những thay đổi lịch sử thể loại một cách thuyết phục theo logic nội tại của sự đổi mới và tự động hóa, vấn đề và giải pháp chỉ có thể đạt đến chiều lịch sử thật sự, nếu nó phá vỡ những giới hạn của quy tắc hình thái học; nếu nó đem đối đầu những tác phẩm có ý nghĩa về mặt lịch sử ảnh hưởng với những mẩu thể loại quy ước, đã bị lãng quên, và nếu nó không bỏ qua mối quan hệ của chúng đối với môi trường văn học: Chúng có giá trị bên cạnh những tác phẩm của các thể loại khác. Tính chất lịch sử của văn học trở nên rõ hơn ở điểm cắt lịch đại và đồng đại. Chúng ta cần nắm bắt cái hệ thống đồng đại đó trong tầm nhìn văn học của một thời khắc lịch sử nhất định, cái hệ thống mà liên quan đến nó, những tác phẩm văn học xuất hiện như là sự cập nhật hay không cập nhật, thời thượng hay lỗi thời; như là những người đi trước thời đại hay như là những người đến muộn đã tìm được sự tiếp nhận, trong những mối liên hệ lịch đại không cùng một thời gian. Nếu nền văn học xuất hiện lúc đó, xét từ quan điểm thẩm mỹ, tan rã thành vô số tập hợp thuần nhất của những sự việc không đồng thời gian – gồm các tác phẩm được xác định bởi những yếu tố khác nhau của sự “khoanh vùng về mặt thời gian” của các thể loại (giống như bầu trời đầy sao hiện nay, về mặt thiên văn học, cũng gồm nhiều điểm sáng có thời đại rất khác nhau) -, thì sự hỗn hợp sinh động của những hiện tượng văn học, xét từ quan điểm mỹ học tiếp nhận, xuất hiện như là khối thống nhất trong tầm tạo nghĩa chung của những chờ đợi, kỷ niệm và giả thiết văn chương đối với công chúng đương thời. Công chúng này cảm nhận và liên kết các tác phẩm văn học với nhau như là những sáng tác của riêng thời hiện tại.
Do tất cả các hệ thống đồng đại, như là yếu tố kết cấu không thể tách rời, phải bao gồm cả quá khứ và tương lai của riêng nó, mặt cắt đồng đại của sản phẩm văn học một thời kỳ lịch sử nhất định, một cách tất yếu, ám chỉ đến những mặt cắt lịch đại trước nó hoặc tiếp theo sau nó. Trong quá trình này cũng giống như trong lịch sử ngôn ngữ – những yếu tố thường xuyên và thay đổi có thể phân biệt được, chúng ta có thể xác định được vị trí của chúng như là những yếu tố phụ thuộc của hệ thống. Văn học hầu như trang bị cho mình một loại quy tắc ngữ pháp hoặc cú pháp có những mối liên hệ thường xuyên: với sự liên kết của những thể loại truyền thống và không được quy tắc hóa, các phương pháp thể hiện, các phong cách và hình thể tu từ. Chúng đối diện với ngữ nghĩa học dễ biến đổi hơn: thuộc về đây là các đề tài, các nguyên mẫu, biểu tượng và ẩn dụ văn học. Vì thế chúng ta có thể thử tạo ra một sự tương đồng lịch sử văn học cho sự hình dung hệ thống của Hans Blumenberg để lại cho lịch sử triết học. Nó có lý do xác đáng với việc giải thích bằng ví dụ về sự thay đổi thời kỳ của thần học cơ đốc giáo và triết học, nhất là về vấn đề thứ bậc và với lô-gích lịch sử của việc hỏi – đáp: “sự giải thích thế giới là hệ thống hình thức [… ] mà trong kết cấu của nó có thể có chỗ cho tất cả những biến đổi mang lại tính chất quá trình của lịch sử giữa những thay đổi thời kỳ cấp tiến”. Nếu rồi đây sự giải thích chức năng cho mối quan hệ mang tính chất quá trình của sáng tác và tiếp nhận biết hủy bỏ những tưởng tượng mang tính thực thể về truyền thống văn học tiếp tục chính nó, thì lúc đó có thể nhận ra những biến đổi đằng sau những thay đổi của hình thức và nội dung văn học trong cái hệ thống văn học hiểu biết thế giới. Những biến đổi đó làm cho sự thay đổi tầm đón đợi xẩy ra trong quá trình kinh nghiệm thẩm mỹ trở nên có thể nắm bắt được.
Từ những giả thuyết này có thể xây dựng một nguyên tắc mô tả của lịch sử văn học không bám theo truyền thống của những tuyệt tác cũng như không đắm chìm vào chiều sâu không thể nào diễn tả nổi về mặt lịch sử của toàn bộ văn bản đang tồn tại. Bằng phương thức chưa từng thử nghiệm, với sự giúp đỡ của phương pháp đồng đại, lịch sử văn học này biết lựa chọn những tác phẩm nào là tương đối có ý nghĩa, phải để ý: Không cần thiết bám theo đến cùng sự thay đổi tầm nhìn xảy ra trong quá trình lịch sử của “sự phát triển văn học” qua sự liên kết của toàn bộ dữ kiện lịch đại và chuỗi các yếu tố xuất xứ, bởi vì có thể đo được qua sự thay đổi của đội ngũ hệ thống văn học đồng đại và cũng có thể đọc ra từ sự phân tích các mặt cắt ngang tiếp theo. Về mặt nguyên lý, chúng ta có thể mô tả văn học bằng loạt các điểm cắt tùy ý theo lịch đại và đồng đại trong sự tiếp nối lịch sử lẫn nhau của các hệ thống. Chúng ta chỉ có thể lấy lại được chiều lịch sử của văn học, sự liên tục có tính chất sự kiện của nó đã biến mất trong chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa thực chứng, nếu chúng ta, những nhà nghiên cứu lịch sử văn học, gặp được những điểm cắt và nhấn mạnh những tác phẩm diễn đạt tính chất của quá trình thể hiện trong những yếu tố tạo thành lịch sử và những giới hạn thời kỳ của “sự phát triển văn học”. Sự diễn đạt lịch sử này không phải do thống kê nêu lên, cũng không phải là ý muốn của nhà nghiên cứu lịch sử văn học, mà chỉ một mình lịch sử ảnh hưởng, nói cách khách là “hậu quả của các sự kiện” và tất cả những gì tạo nên sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại của văn học, nhìn từ triển vọng của hiện tại.
Trương Đăng Dung dịch từ bản tiếng Hung của Bernáth Csilla, Budapest, 1999(Còn nữa)
Phần 1, 2

1gom