Nấc là hiện tượng co thắt cơ hoành làm co đột ngột bụng và ngực. Nguyên nhân gây nấc tạm thời là rối loạn hoạt động của cơ hoành. Còn nguyên nhân gây nấc kéo dài thường là các bệnh như thoát vị cơ hoành, viêm miệng nối thực quản, áp xe dưới hoành, hoặc các bệnh phổi, bệnh tim, thiếu máu cục bộ, tăng urê huyết… Theo Đông y, nấc là do khí uất gây bất hòa trong nội tạng, làm ảnh hưởng tới cơ chế khí, sự điều hòa tân dịch không thuận, không đủ dinh dưỡng, phát sinh đờm đục, can khí lấn át vị khí. Khi ăn uống không điều độ, đồ ăn nóng lạnh lẫn lộn, thường xuyên uống nước lạnh, hoặc để dạ dày gặp lạnh, mất khả năng điều tiết, khiến khí đi ngược lên cơ hoành… cũng có thể gây ra nấc.Có 3 loại nấc: – Nấc do nhiễm lạnh: Thường xuất hiện vào buổi sáng, tiếng nấc nhẹ. Buổi tối, tiếng nấc nặng hơn và liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 tiếng nấc ngắn, chân tay lạnh. – Nấc do nhiệt thịnh: Tiếng nấc to, mạnh, thời gian giữa 2 tiếng không cố định, lúc ngắn lúc dài, miệng lưỡi khô, đi ngoài khó… – Nấc do cơ thể suy hư, ốm yếu: Tiếng nấc yếu nhẹ, không liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 tiếng dài, người mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém…Một số món ăn bài – thuốc trị nấc: – Vải chín 10 quả, bóc cùi, cho vào cốc với 1 thìa cà phê mật ong, hấp cách thủy. Khi cùi vải chín thì ép lấy nước. Bệnh nhân ăn cùi vải trước sau đó uống nước 2 lần/ngày. – Quất hồng bì chín 20 quả, rửa sạch, bỏ hạt cho vào cốc dầm nát, thêm 1 thìa canh đường, trộn đều, hấp cách thủy. Khi quất hồng bì chín, ép lấy nước uống. – Hạt tía tô 20 g, xay thành bột mịn, thêm hạt tiêu 4 hạt, đun với 250 ml nước, chắt nước bỏ bã. Bột gạo 100 g cho vào nước hạt tía tô, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho 20 g đường phèn, quấy tan. Bệnh nhân ăn một lần lúc đói, trong 2-3 ngày. – Nho chín 100 g, gạo 100 g, sữa bò tươi 50 ml, mật ong 1 thìa. Gạo xay thành bột, nho quả rửa sạch, giã dập đun với 200 ml nước, chắt nước bỏ bã. Cho bột gạo, sữa bò tươi, mật ong vào nước nho, quấy đều, đun nhỏ lửa cho đến khi cháo chín. Bệnh nhân ăn 1 lần/ngày lúc đói, dùng trong 2 ngày.Các mẹo vặt: – Uống liên tục từng ngụm nước nhỏ, nước có ga, hoặc nuốt nước bọt liên tục… – Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp kín 2 cánh mũi, đồng thời khép kín miệng môi, phồng má rồi dồn khí lên hai tai, mỗi lần làm như vậy trong 2-3 giây, rồi nghỉ 2-3 giây và lặp lại khoảng 15 -20 lần. – Bệnh nhân nhắm hờ mắt, dùng hai ngón tay trỏ ấn nhẹ và sâu vào hai nhãn cầu trong 1-2 giây, rồi nhấc hờ hai ngón tay trỏ, làm liên tục trong 15-20 lần. (Theo Khoa Học & Đời Sống) |