Anh Lê Việt Dũng – phường 11, quận Tân Bình – được công ty làm dịch vụ tư vấn du học T.B.D. trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận tư vấn: Nếu đi New Zealand, công ty sẽ lo từ A đến Z, chi phí dịch vụ giấy tờ chỉ 1.400 USD/người. Bị thuyết phục bởi những điều kiện quá dễ dàng, anh Dũng chấp nhận. Thế nhưng khi phỏng vấn bị trượt, Dũng chỉ được trả lại 900 USD, số còn lại công ty nói là… đã chi vào thủ tục giấy tờ.
Các trung tâm tư vấn du học đều tìm hiểu rất kỹ khả năng tài chính của gia đình người muốn đi du học. Nhưng ngược lại, thông tin về các trường đại học nước ngoài mà trung tâm tư vấn cho người du học thì lại rất mập mờ. Anh Nguyễn Hoàng Tâm, nhà ở đường Bùi Viện, quận 1 – người vừa học xong hai khóa học gần hai năm ở Singapore về, kể: “Trung tâm tư vấn chỉ yêu cầu tôi phải đủ tiền là được… xuất ngoại. Thế nhưng khi sang đó, đụng thực tế mới té ngửa: với mớ tiếng Anh ấm ớ như tôi, không tài nào tiếp thu được bài vở”. Và sau gần hai năm mang tiếng “du học”, giờ anh trở về không có một mảnh bằng vắt vai.
Tình trạng thiếu chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của các dịch vụ tư vấn du học đang là vấn đề bức xúc của dư luận. Có những thủ tục không cần thiết nhưng các dịch vụ vẫn kê vào, ví như giấy chấp thuận của Bộ GD&ĐT cho phép đi du học ở nước ngoài giờ đây không cần thiết, song các dịch vụ vẫn thu của khách hàng 30 USD cho chi phí này. Nhiều trung tâm khi đưa học sinh qua được nước ngoài, trách nhiệm cũng coi như chấm dứt, khiến du học sinh gặp phải nhiều khó khăn khi nhập trường, còn gia đình họ thì không thể biết thông tin gì về kết quả học tập cũng như sinh hoạt của con em mình. Học sinh bê trễ học tập, thậm chí bỏ học, phụ huynh biết được thì việc đã rồi.
Thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, thủ tục thành lập công ty đơn giản và dễ dàng hơn. Chính vì vậy, có rất nhiều đơn vị không chuyên về tư vấn du học nhưng vẫn đăng ký kinh doanh ngành nghề này. Điều không hợp lý là Sở KH-ĐT cấp phép, nhưng việc xử lý những vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh lại không thuộc Sở. Một cán bộ phòng cấp phép Sở KH-ĐT nói: “Sau khi một đơn vị được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ Sở KH-ĐT, đơn vị đó có đủ chức năng hoạt động, nhưng tùy theo mỗi ngành nghề, sẽ có giấy phép con của từng ban, ngành chức năng khác. Vì vậy, khi một đơn vị vi phạm hoặc hoạt động mang tính chất lừa đảo, các cơ quan ban ngành cấp phép hoặc công an xử lý và đề nghị Sở KH-ĐT rút giấy phép đăng ký kinh doanh”. Trình tự thủ tục xem ra hợp lý, nhưng trên thực tế, phải đợi đến lúc người bị hại khiếu nại, các cơ quan chức năng mới vào cuộc?
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)