Những bất thường ở trẻ khi ngủ

Trước khi ngủ, trẻ nóng giận, hay quấy, khi ngủ thì dễ giật mình, tỉnh giấc, mặt đỏ, toàn thân khô, tiếng thở to và gấp, tim đập nhanh: Đó là dấu hiệu báo trước trẻ có thể lên cơn sốt.
Khi ngủ mồ hôi vã ra như tắm, ngủ không ngon giấc, kèm theo các biểu hiện đầu vật vã, răng mọc chậm, thóp không đầy theo đúng thời gian: Đó là dấu hiệu trẻ có thể bị còi xương.
Trẻ ngủ chân tay giật giật chứng tỏ ban ngày tinh thần bị kích thích quá mạnh, quá sợ hãi, quá mệt mỏi.
Thường ngày trẻ thích ngủ, lúc nào cũng có thể ngủ được; nghe thấy tiếng động cũng chẳng phản ứng gì: Coi chừng trẻ có thể bị điếc.
Hai hàm răng của trẻ nghiến kêu kèn kẹt trong lúc ngủ: có thể là biểu hiện bệnh ký sinh trùng đường ruột hoặc có dị hình hàm răng, hàm trên hàm dưới không khớp nhau. Tình trạng này chỉ có tính chất nhất thời, khi thay toàn bộ răng sữa thì đa số trường hợp sẽ hết chứng nghiến răng.
Khi ngủ trẻ thường gãi vào vùng mông, hậu môn: Có thể trẻ có giun kim.
Trẻ nằm ngửa, ngủ say, tiếng ngáy to không ngớt, thở há miệng lộ bộ mặt ngây ngô, sống mũi rộng phẳng bẹt: Có thể đang bị viêm amidan, V.A hay có thịt thừa ở mũi, họng, cần khám tai mũi họng.
Trẻ 6 tháng tuổi trở lại trong quá trình ngủ nếu vừa vươn vai vừa khóc thì chỉ do buồn ngủ, xoa đầu, vỗ mông là trẻ ngủ ngay.
Nếu trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi khóc ê a, hai mắt lim dim, nước mắt giàn giụa, cựa quậy luôn luôn là do chăn chiếu không êm, không ngủ yên được; nên sửa lại chỗ nằm hay đặt trẻ ra nói khác.
Nếu trẻ khóc ê a, hai mắt lim dim, khóc có nhịp cao thấp như hát là lúc mỏi mệt, đói hay khát, không ngủ được, nên cho trẻ bú.
Nếu thấy trẻ ngủ khóc thét lên, cau mày rụt cổ hoặc run rẩy khóc là trẻ ngủ mê, giật mình kinh sợ, nên lên tiếng trấn an và ẵm lên vỗ về, xoa dịu nỗi kinh sợ của trẻ.
Trong quá trình ngủ, nếu thấy trẻ thể hiện tiếng khóc, động tác lạ, khác thường, nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để tham khảo ý kiến và điều trị nếu cần thiết. 
(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)

1gom