Thứ trưởng Trần Chí Liêm: “Tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là biện pháp chính”. |
– Thưa ông, tại sao tình trạng mất vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống… tồn tại đã lâu, nhưng không có chuyển biến và ngày càng nghiêm trọng?
– Hiện nay các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn ít, chưa nghiêm khắc, còn chồng chéo trách nhiệm giữa ngành y tế, thương mại, và cả ngành nông nghiệp. Vì vậy không có cơ sở để kiểm tra cũng như xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu do địa phương tiến hành, chính quyền ở đâu quan tâm đôn đốc thì ở đó việc kiểm tra được duy trì thường xuyên. Lực lượng nòng cốt là các trung tâm y tế dự phòng nhưng cán bộ y tế quá mỏng so với số điểm kinh doanh ăn uống, sản xuất cung ứng thực phẩm. Cũng vì vậy việc kiểm tra định kỳ Bộ Y tế đề ra trước đây không thực hiện được đến nơi đến chốn.
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị thiu thối, biến chất, nhiễm bẩn, chứa chật độc hoặc nhiễm độc, có ký sinh trùng, vi sinh vật gây bệnh; sản phẩm chế biên từ thịt chưa qua kiểm tra thú y, từ gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, ngộ độc hoặc không rõ nguyên nhân; thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc bao gói bị vỡ, rách.- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nguyên liệu không phải là thực phẩm hoặc hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng.- Sản xuất, kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, hay sử dụng công nghệ gen trái phép.- Thông tin, quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa sai sự thật hoặc có gian dối khác về vệ sinh an toàn thực phẩm.- Sử dụng phương tiện đã bị ô nhiễm, hay đã vận chuyển chất độc hại để vận chuyển thực phẩm.(Trích Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm)- Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm được ban hành sẽ cải thiện thế nào vấn đề ăn uống hàng ngày của người dân?
– Pháp lệnh là văn bản luật đầu tiên quy định toàn diện các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và truyền bệnh qua thực phẩm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết cách thức kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm. Chúng tôi hy vọng Pháp lệnh sẽ giúp giảm bớt tình trạng mất vệ sinh, an toàn trong kinh doanh, chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống.
– Ngành y tế sẽ có biện pháp cụ thể nào để xử lý các vi phạm trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm, ăn uống?
– Chúng tôi đang có kế hoạch củng cố cả về nhân lực và vật lực cho lực lượng thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Sẽ có các phòng xét nghiệm từ cấp quận huyện cho đến tỉnh và trung ương để kiểm tra các mẫu thực phẩm có trên thị trường. Có thể còn phải lập ra những chuẩn kiểm tra nhanh để thanh tra vệ sinh thực phẩm phát hiện ngay vi phạm ở cơ sở kinh doanh.
Ngành y tế sẽ tổ chức lại công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đạt tiêu chuẩn thì cấp giấy chứng nhận để người dân biết. Sẽ tập trung công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở những khu vực tập trung đông dân cư, nguy cơ mất vệ sinh cao dễ gây ngộ độc hàng loạt như khu công nghiệp, thành phố lớn. Chúng tôi kiên quyết đóng cửa những cơ sở vi phạm.
Cũng cần hiểu chế tài chỉ là một mặt trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bởi người kinh doanh ăn uống rất đa dạng, từ nhà hàng, khách sạn cho đến người bán hàng rong kiếm sống qua ngày. Với những người nghèo cần được giáo dục truyền thông, để họ có ý thức và biết làm thế nào để giữ vệ sinh, an toàn. Truyền thông cũng giúp từng người dân biết ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một quá trình có nhiều công đoạn mà nhà nước không thể kiểm soát trực tiếp hết được. Vì vậy giáo dục kiến thức vệ sinh là quan trọng nhất. Tới đây Bộ Y tế sẽ phối hợp với UBND Hà Nội, TP HCM sơ kết phong trào Thức ăn đường phố, đời sống văn hóa – sức khỏe, chuẩn bị vận động chiến dịch vệ sinh thực phẩm trong dịp SEA Games. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ nâng cao ý thức của người dân, nâng cao văn hóa, văn minh đô thị trong cả việc ăn uống hàng ngày.
Nghĩa Nhân