Sữa Parmalat bị chua như thế nào? (1)

Nhà đầu tư và người tiêu dùng Parmalat phản đối bên ngoài trụ sở hãng ở
Nhà đầu tư và người tiêu dùng Parmalat phản đối bên ngoài trụ sở hãng ở Rome.

Tập đoàn thực phẩm và sữa hàng đầu Italy bị cáo buộc phạm tội gian lận tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử, còn Ferraris thì bị cáo buộc lừa gạt thị trường và công bố thông tin sai lệch. Ông ước giá như mình chú ý hơn đến những mối nghi ngờ. Kể từ tháng 3/2003 trở về trước, Ferraris biết công ty có một số trục trặc tài chính, nhưng không hề nghĩ những chuyện xấu sẽ ập đến.
Parmalat đã cố gắng quảng bá hình ảnh để trở thành thương hiệu nổi tiếng kiểu “sữa Coca-Cola”. Ferraris, 46 tuổi, nguyên là giám đốc chi nhánh ngân hàng Citigroup ở Milan.
Cuối tháng 2, cổ phiếu Parmalat giảm mạnh khi giám đốc tài chính Fausto Tonna đưa ra một loại trái phiếu mới – chứng tỏ nợ nần của hãng ngày một lớn. Đây là động thái nhằm tăng vốn cho Parmalat. Người sáng lập và giám đốc điều hành tập đoàn sữa, thực phẩm, Calisto Tanzi, rút lại loại trái phiếu này một ngày sau đó và thay Tonna bằng Ferraris để bình ổn tình hình. Trong vòng vài ngày, tân giám đốc tài chính với dáng người chắc nịch bảo vệ công ty trước một phòng toàn các nhà phân tích tài chính ở Milan. Ông vẽ ra một bức tranh toàn màu hồng: doanh số và tiền lãi tăng, nợ nần trong tầm kiểm soát, và công ty có rất nhiều tiền. Hài lòng vì đã trấn an được các chuyên gia tài chính, Ferraris hy vọng điều tồi tệ nhất đã qua đi. “Công việc của tôi là dàn xếp với thị trường”, ông nói tại văn phòng luật sư ở Milan.
Rồi Ferraris càng ngày càng nghi ngờ. Ông không thể hiểu tại sao công ty quan tâm quá nhiều tới nợ. Những khoản trả lãi cao hơn nhiều so với 5,4 tỷ euro trên giấy tờ. Tồi tệ hơn, công ty không cho ông tiếp cận mọi sổ sách, giấy tờ tài chính. Khi than phiền với Tonna (vẫn phụ trách giao dịch với một số ngân hàng), Ferraris được biết nhân viên phụ trách tiền nong Luciano Del Soldato, đã làm việc cho Parmalat 20 năm, sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề nợ – phần thưởng đổi lại cho việc ông này không làm giám đốc tài chính.
Ferraris đành chấp nhận vị trí mà thực chất không có quyền toàn diện, nhưng không hài lòng. Ông yêu cầu 2 nhân viên đáng tin cậy thầm lặng tiến hành điều tra. Sau khi tìm hiểu tất cả các chi nhánh của Parmalat trên toàn cầu, họ trở về với một tin gây sốc: tổng số nợ ước tính lên tới 14 tỷ euro, gần gấp đôi so với con số trong cân bằng thanh toán. “Trước thời điểm đó, tôi không hề nghi ngờ sổ sách sai lệch”, Ferraris khẳng định. 
Ông hiểu rằng phải gặp giám đốc điều hành. Giữa tháng 10, Ferraris gặp Tanzi. Cho tới lúc này, ông vẫn coi Tanzi là một con người tuyệt vời, một doanh nhân thực sự, một nhà lãnh đạo tuyệt vời luôn phát hiện ra tính toán sai sót trong các bản báo cáo. “Tôi hy vọng ông ấy sẽ nói Con số của ông sai rồi. Nhưng thay vào đó, ông ấy nói 8 tỷ, 11 tỷ, 14 tỷ – như nhau cả thôi”. Choáng váng, Ferraris đề nghị Tanzi triệu tập một cuộc họp với những ngân hàng của công ty để giải thích tình hình. Giám đốc điều hành bác bỏ, và Ferraris đệ đơn nghỉ việc. “Tôi lặng người vì kinh ngạc”, ông cho biết.
Vài tuần sau, ngày 19/12/2003, mưu đồ bất lương nghiêm trọng nhất trong lịch sử châu Âu bị phơi bày khi Parmalat khẳng định tài khoản 3,95 tỷ euro mà họ tuyên bố là đặt trong Bank of America không hề tồn tại. Đây là tiết lộ đầu tiên trong vụ bê bối biến Parmalat trở thành Enron của châu Âu, một bãi lầy gồm những gian lận và thất bại tài chính làm tập đoàn đứng thứ 8 Italy về quy mô và quảng bá là nhãn hiệu tiêu dùng toàn cầu đứng bên bờ vực thảm kịch.
Trong năm qua, câu chuyện Parmalat gây nhiều chú ý trong khi 3 nhóm chuyên gia tài chính lật lại sổ sách công ty. Hàng chục quan chức tập đoàn, trong đó có Tonna, Tanzi, Ferraris và Del Soldato đã có những lời khai trước thẩm phán ở Parma và Milan. Từ những lời khai và hàng nghìn trang tư liệu, người ta có thể biết vụ việc rõ hơn. 
Nguyễn Hạnh (theo Time)
Còn tiếp 
Phần 2, 3, 4, 5
 

Close [X]
1gom
1gom