Từ khi chào đời, trẻ đã có sẵn ý chí, biểu hiện qua tiếng khóc đòi hỏi hoặc lúc bú. Đến 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu suy nghĩ trước khi quyết định. Ví dụ đứng trước hai trò chơi, trẻ sẽ chọn lựa theo sở thích. Vì vậy, người mẹ phải hướng dẫn ý muốn của trẻ theo kỷ luật nhất định như quy định giờ giấc sinh hoạt vui chơi, ăn ngủ, tập thành thói quen hằng ngày.
Từ 3-4 tuổi, ý chí của trẻ mạnh hơn. Cha mẹ cần lợi dụng sự sôi động trong lòng đứa trẻ ở giai đoạn 3-4 tuổi và lúc 12-13 tuổi để giúp chúng xây dựng, rèn luyện ý chí, chế ngự bản năng, sống tự chủ.
Luyện ý chí qua công việc hằng ngày
Mỗi ngày có biết bao cơ hội để cha mẹ rèn luyện ý chí cho con. Chẳng hạn một bé chơi bi, nhưng hòn bi lăn vào gầm giường. Bé khóc đòi mẹ chui vào lấy. Lúc ấy, cha mẹ hãy bảo: “Người con nhỏ hơn mẹ, chui vào dễ hơn. Còn nếu không bò vào thì đi tìm cây dài khều ra”.
Nên khuyến khích trẻ làm những việc mà chúng không yêu thích, tập các thói quen tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Lúc đầu trẻ cảm thấy bị bắt buộc, nhưng khi đã quen rồi thì trẻ tự giác làm. Đứa trẻ nào cũng có một chút dòng máu anh hùng, người lớn cần biết lợi dụng điểm này.
Cha mẹ nêu gương tốt
Có biết bao tấm gương thành công nhờ ý chí, các nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước, các nhà văn hóa, doanh nghiệp… Nhưng gương tốt nhất vẫn là cha mẹ. Nếu cha mẹ có ý chí, biết khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập, công tác, rèn luyện sức khỏe thì con cái ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
(Theo Thế Giới Phụ Nữ)