Ngày mai sẽ diễn ra hội nghị toàn cầu về SARS

a
Đại diện của WHO phát biểu trong một buổi hội thảo về SARS vào đầu tháng 6.

Hội nghị toàn cầu về SARS được đánh giá là có quy mô nhất từ trước tới nay, sau gần 1 tháng chuẩn bị. Dự kiến tất cả các quốc gia thành viên của WHO và một số nước khác sẽ tham dự.
Trong chương trình làm việc sáng 17/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thưởng, sẽ có bài phát biểu 15 phút về toàn cảnh dịch SARS tại Việt Nam, cùng với bài phát biểu của đại diện một số quốc gia vùng dịch về thực trạng dịch bệnh và công tác đối phó. Chiều cùng ngày, hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề khoa học về SARS như biện pháp chẩn đoán bệnh trong phòng thí nghiệm, phát triển vacxin, vai trò của động vật và một số yếu tố môi trường liên quan.
Ngày làm việc thứ 2 sẽ bắt đầu bằng cuộc thảo luận theo nhóm với 3 chủ đề chính: Khả năng loại bỏ hoàn toàn dịch SARS, tính hiệu quả của những biện pháp kiểm soát hiện nay và hệ thống cảnh báo dịch bệnh. Các nhóm sẽ công bố kết quả thảo luận vào buổi chiều. Dựa vào đó, WHO sẽ đưa ra chiến lược hành động toàn cầu về dịch SARS trong tương lai.
Theo nhận định của WHO đưa ra ngày 12/6, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã bước qua giai đoạn đỉnh điểm và có chiều hướng nguội dần trong thời gian tới. Theo thống kê từ tháng 11/2002 đến nay, virus SARS đã cướp đi sinh mạng của 792 người và lây bệnh cho 8.454 trường hợp khác, gây ảnh hưởng trực tiếp tới 32 nước (chủ yếu tập trung ở châu Á). Phần lớn nạn nhân là các y bác sĩ và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Hội chứng Hô hấp Cấp nặng lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2002 tại một làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Virus SARS, khi đó vẫn được coi là “kẻ huỷ diệt giấu mặt”, chỉ quanh quẩn trong phạm vi Trung Quốc Đại lục 3 tháng sau đó.
Ngày 21/2/2003 đánh dấu thời điểm virus SARS bắt đầu cuộc tấn công thế giới. Qua một vị giáo sư người Quảng Đông, loại siêu vi trùng nguy hiểm này đã gieo bệnh cho 12 khách du lịch tại tầng 9 của khách sạn Metropole, Hong Kong. Từ đây, SARS bắt đầu tấn công 4 quốc gia đầu tiên là Hong Kong, Việt Nam, Singapore, Canada, rồi lan dần sang 28 nước khác bằng đường hàng không trong một khoảng thời gian ngắn. Vào những lúc cao điểm, WHO ghi nhận hàng trăm người chết và nhiễm bệnh mỗi ngày, từ các vụ bùng phát lớn tại Hong Kong, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan.
Trong tháng 5/2003, tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới bắt đầu có chiều hướng nguội dần, sau gần 7 tháng hoành hành. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của mỗi quốc gia nhiễm SARS. Việt Nam trở thành nước đầu tiên khống chế thành công SARS và được WHO đưa ra khỏi khuyến cáo đi lại vào ngày 28/4.
Tính đến thời điểm này, chỉ còn Bắc Kinh và Đài Loan là hai điểm mà WHO cảnh báo các cá nhân và tổ chức quốc tế cần hạn chế lui tới, do diễn biến dịch bệnh tại đây vẫn có nhiều bất thường. Tuần trước, WHO cũng đã dỡ bỏ 4 khu vực thuộc Trung Quốc Đại lục là Hà Bắc, Nội Mông, Sơn Tây và Thiên Tân ra khỏi khuyến cáo.
Kể từ ngày 13/4, khi bức màn bí mật về virus gây chết người được hé mở qua phác thảo trình tự gene đầu tiên do các khoa học Canada công bố, cộng đồng y tế thế giới vẫn tiếp tục cuộc đua với thời gian nhằm tìm kiếm thuốc đặc trị và vacxin phòng bệnh. Nhu cầu về bộ test chẩn đoán tin cậy cũng ngày một bức thiết, song đến nay, những thiết bị này mới chỉ dừng ở phạm vi phòng thí nghiệm. Các chuyên gia của WHO dự đoán, có thể sẽ phải mất ít nhất 5 năm nữa mới tìm ra thuốc đặc trị.
Mỹ Linh (theo WHO)

Close [X]
1gom
1gom