Quan niệm cho rằng nhược dương là hiện tượng tự nhiên, tất yếu phải xảy ra, tỷ lệ với tuổi tác… có lẽ không đúng lắm. Ở người lớn tuổi, bị nhiều bệnh tật, rối loạn cương có thể là hậu quả của bệnh, hoặc của các loại thuốc điều trị những bệnh đó (đôi khi chẳng liên hệ gì đến dương sự) chứ chưa hẳn đã tại già nua.
Ngay từ thời xa xưa, bất lực vẫn được biết như một biến chứng cổ điển (nhưng không phải là đương nhiên) của bệnh tiểu đường.
Bất lực cũng là hậu quả của việc điều trị cao huyết áp, một bệnh lý hay gặp ở người lớn tuổi. Có thể giải thích điều này như sau:
– Khi bệnh cao huyết áp còn chưa được phát hiện và chưa được điều trị, áp suất máu trong thể hang (vốn là yếu tố quyết định thành bại của hiện tượng cương) đã bắt buộc phải tự “điều tiết” cho phù hợp với huyết áp tăng cao của toàn cơ thể. Điều trị hạ thấp huyết áp sẽ gây tình trạng “hụt hẫng” ở thể hang. Và thiếu tất nhiên sẽ yếu.
– Co thắt là do cơ chế adrenaline, hay alpha. Trong khi đó, thuốc hạ huyết áp thường là dược phẩm ức chế bêta. Ức chế bêta sẽ gây rối loạn thăng bằng alpha/ bêta. Nói cách khác, bêta giảm thì alpha sẽ tăng cao khiến cho khó cương hơn.
Loét dạ dày, vốn chẳng liên quan gì đến dương sự, nhưng lại thường được điều trị bằng Cimetidine (anti androgen). Vì vậy, chuyện người dùng thuốc bị “nhược” hơn trước cũng là điều dễ hiểu.
Đàn ông lớn tuổi có bị suy yếu như phụ nữ lúc mãn kinh không?
Tắc dục nam (andropause) – trạng thái được cho là tương đương với giai đoạn mãn kinh (menopause) ở phụ nữ – là một khái niệm không dược nhiều tác giả chấp nhận, kể cả người viết. Vì nó không nhất thiết phải xảy ra cho tất cả đàn ông, trong khi mãn kinh là điều bắt buộc với các bà có tuổi.
Cũng có nhiều sự khác biệt giữa hai hiện tượng này. Sụt giảm hoóc môn nam (testosterone) không được ghi nhận trong mọi trường hợp. Nếu có, lại thường diễn ra rất chậm và lâu, chứ không đột ngột như suy sụp oestrogen hay ngưng rụng trứng ở phụ nữ. Cụ thể, nồng độ testosterone chỉ thực sự hạ thấp kể từ 60-70 tuổi trở đi.
Cần phải nhấn mạnh là testosterone chi viện từ bên ngoài không chắc sẽ làm cho sự việc khả quan hơn. Điều này thì những ông đã từng sử dụng Sustanon, Heptylate hay Andriol, với hy vọng “phục hồi dương sự” đều biết quá rõ!
Tóm lại, đàn ông lớn tuổi “kém dương sự” có lẽ do bị nhiều bệnh hơn lớp trẻ. Và suy nhược là biến chứng của bệnh, hoặc phản ứng phụ của thuốc điều trị. Nếu còn mạnh khoẻ bình thường, thì chắc chắn vẫn “thao tác tốt”. Nếu quy trình “xơ hoá tuổi già” chưa ảnh hưởng đến thể hang thì chưa có vấn đề gì.
(còn tiếp)
LTS: “Thắc mắc biết hỏi ai” là tập hợp các câu trả lời cho những câu hỏi về lĩnh vực tình dục mà bạn đọc gửi đến bác sĩ Trần Bồng Sơn từ năm 1989. Những giải đáp của ông không chỉ mang nội dung khoa học mà còn có tác dụng giúp đỡ, trấn an về tâm lý. Với giọng văn dí dỏm, thông minh, bác sĩ Trần Bồng Sơn đã khéo léo đi vào những khía cạnh gai góc, thầm kín nhất trong quan hệ tình dục, một lĩnh vực còn chịu nhiều thành kiến”.