2002 – năm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính

Nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy hành chính những năm qua, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định tình trạng trì trệ đã ở mức đáng lo ngại. Hiện nay, một dự án bình thường qua được các cửa, các khâu cũng mất ít nhất 1 năm; dự án có quy mô lớn hơn phải từ 18 tháng đến 2 năm, có khi vài năm, trong khi “càng kéo dài bao nhiêu, càng đánh mất nhiều thời cơ bấy nhiêu”. Bên cạnh đó, có những quyết định của cơ quan cấp trên đã không được cấp dưới chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc vì các quyết định này động chạm đến quyền lợi một số cán bộ, một số cơ quan. Đó là chưa đề cấp tới vấn đề trong sạch của bộ máy.
Nguyên nhân, theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là thiếu chế tài để cấp trên ràng buộc cấp dưới, nên các cán bộ “làm cũng được, không làm cũng được. Thậm chí làm nhiều còn có nguy cơ bị kiểm điểm nhiều. Vậy thì tội gì mấy ổng làm”. Ngoài ra, mỗi khi có sự cố, người nào đặt bút ký văn bản thì phải chịu trách nhiệm nặng nhất, trong khi những cán bộ cơ quan chuyên môn (có đủ năng lực, trình độ để thẩm định) đưa hồ sơ lên trình thì ít khi bị xem xét trách nhiệm. Điều này dẫn tới tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong một số cán bộ lãnh đạo địa phương.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị ví von: “Chủ tịch tỉnh cũng giống như đội trưởng đội bóng. Không có thực quyền, khi vào sân làm sao chỉ huy được toàn đội ăn ý”. Theo ông, cần xem lại cơ chế bổ nhiệm cán bộ, cả về phương diện tổ chức Đảng lẫn chính quyền. Ông cho biết ở An Giang, có một số phó giám đốc sở đã quá đát. Muốn đưa người có năng lực vào thay nhưng lại đụng “quy hoạch”. “Thủ tướng muốn cách chức tôi cũng khó, vì sau tôi còn có thường vụ, có cấp ủy. Ngược lại muốn bổ nhiệm tôi mà địa phương không chịu cũng chẳng xong”, ông Nhị hóm hỉnh.
Giải quyết vấn đề trên, theo ông Phạm Văn Chi, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, cần sớm sửa đổi các luật tổ chức HĐND, UBND…
“Chấn chỉnh phải đồng bộ, cả chính quyền và Đảng”
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Trần Huy Năng phát biểu. Theo ông, nếu chỉ một mình chính quyền làm thì tính khả thi sẽ không cao. Đại diện tỉnh Quảng Bình có chung ý kiến: “Riêng một vấn đề văn hóa, chính quyền có sở văn hóa – thông tin, bên Đảng có bộ phận văn hóa, rồi mặt trận, đoàn thể cũng có… Trùng lắp chức năng rất nhiều, nhưng khi có sự cố thì thẩm quyền, trách nhiệm lại không rõ ràng”.
Ông Phạm Văn Chi cùng Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa Luật Khiếu nại tố cáo theo hướng chỉ giải quyết khiếu kiện đến cấp huyện, sau đó chuyển sang tòa án.
Từ những trăn trở trên, kỳ họp của Chính phủ cuối năm 2001 đã quyết định lấy năm 2002 là “Năm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính” trong bộ máy. Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết trong năm nay, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ cương từ trên xuống dưới, từ trung ương tới cơ sở.
“Thời cơ đã có, làm được hay không là do bộ máy của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)

1gom