Chị Nguyễn Thị Hằng (29 tuổi, trú tại thôn Cà Đú, xã Thành Hải, Phan Rang, Tháp Chàm): “Trước khi chủ tọa phiên toà tuyên án, tôi thấy Loan lảo đảo nhưng cố bấu víu vào vành móng ngựa. Vài phút sau đó, Loan còn nhổ ra một ít nước bọt có mùi thuốc trừ sâu. Thấy vậy, tôi chạy lên cố đỡ Loan, nhưng chủ tọa phiên toà ra lệnh cho tôi phải về chỗ ngồi là hàng ghế thứ 3 dành cho công chúng theo dõi phiên toà”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (đội 2, Tây Sơn, Thành Hải): “Khoảng 3 phút sau khi toà bắt đầu tuyên án, tôi nhìn thấy Loan đứng không vững, gục xuống. Ngay lúc đó tôi còn nghe chủ tọa phiên toà bảo bị cáo… đứng lên. Phần Loan, mặc dù đã kiệt sức nhưng vẫn cố nói: Oan cho tôi lắm toà ơi, tôi đã uống thuốc rồi, thà chết chứ không chịu tù oan. Lúc này, tôi không còn bình tĩnh nữa nên vừa khóc vừa la lên đề nghị mọi người đưa Loan đi bệnh viện. Thế là HĐXX đuổi tôi ra khỏi phòng xử án. 20 phút sau, khi phiên tòa kết thúc, Loan mới được đưa đi cấp cứu”.
Anh Võ Nguyên Trung (34 tuổi, Phủ Hà, Phan Rang): “Tôi là người tham dự từ đầu chí cuối phiên toà này. Ngoài những điều lạ về cách tổ chức của phiên toà xét xử phúc thẩm, điều ám ảnh đối với tôi nhất là mặc dù biết bị cáo uống thuốc rầy tự tử để tự minh oan cho mình, nhưng chủ tọa vẫn không cho người thân của chị Loan đưa đi cấp cứu”.
Trở lại gia đình nạn nhân, hai cháu nhỏ của chị Loan (đứa 10 tuổi và bé vừa lên 5) với đôi vành khăn tang trên đầu đã mấy lần ngất xỉu phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh nhưng vẫn cứ nằng nặc đòi gặp mẹ. Anh Nguyễn Thanh Triều (chồng nạn nhân) thở dài: “Vợ tôi bị kết án oan. Tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên toà án tối cao”.
Những tình tiết chưa có trong hồ sơ vụ án
Ông Lê Văn Trong (đội viên đội dân phòng xã Thành Hải, người có mặt ngay hiện trường sau khi xảy ra sự việc): “Khi nhận được tin báo có vụ đánh nhau giữa chị Loan và ông Tâm, tôi cùng anh em trong đội đến ngay hiện trường thì thấy chị Loan ngồi trên chiếc giường trong nhà. Cách nơi chị ngồi khoảng 3 m có dấu máu nhỏ giọt từ trong nhà kéo dài ra khỏi cửa nhà, chúng tôi không thấy người bị hại và mời chị Loan về công an xã để làm việc”.
Ông Trần Ngọc Long (công an thôn Tân Sơn): “Chính tôi là người viết biên bản sự việc ngay sau khi xảy ra vụ án, song có một vài tình tiết chị Loan bảo không đúng sự thật nên không chịu ký vào biên bản. Vậy mà không hiểu sao tại phiên toà sơ thẩm ngày 15/3, bà Nguyễn Thị Luyến, chủ tọa phiên toà, đọc lại biên bản mà tôi lập trước đó cho biết, chị Loan có ký tên trong biên bản ngay khi lập ở cơ sở (?). Càng khó hiểu hơn, trước toà, chị Loan yêu cầu cho xem biên bản nêu trên để xác định có đúng chữ ký của mình không thì toà cương quyết không chịu. Vì nghi ngờ có chuyện giả mạo chữ ký của chị Loan nên ngay ngày hôm sau tôi có viết đơn yêu cầu TAND thị xã Phan Rang, Tháp Chàm cần xác định lại chữ ký… nhưng không thấy trả lời”.
Ông Lê Tứ Mài (cha nuôi bị cáo, người dân tộc Raglai, sinh 1940, không biết chữ và nặng tai): “Sáng sớm, tôi ngồi dưới gốc cây trước nhà mài cuốc chuẩn bị đi làm ruộng với ông Nguyễn Đình Phùng (láng giềng) thì bất ngờ nghe tiếng ông Tâm hô hoán là bị con Loan đâm. Giật mình nhìn lên tôi thấy ông Tâm từ trong nhà con Loan chạy ra, tay chảy máu… Tại công an điều tra tôi khai đúng như vậy, song ở phiên toà biên bản ghi lời khai của tôi lại là con Loan đâm ông Tâm ở nhà ông Tâm. Tôi có nhờ người viết đơn gửi các cấp trình bày biên bản trên không đúng sự thật. Nếu nhìn thấy cảnh đâm như vậy thì tất nhiên chúng tôi đã ngăn cản rồi. Chuyện con Loan và ông Tâm đánh nhau trong nhà Loan không ai biết, chỉ khi nghe ông Tâm hô hoán mới thấy vợ con ông Tâm xuất hiện… Vậy mà vợ ông Tâm lại được TAND thị xã cho làm nhân chứng”.
HĐXX phải chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM): “Để có được một kết luận khách quan và đúng đắn, cơ quan tố tụng cần phải tôn trọng yêu cầu giám định lại của bị cáo dù muộn còn hơn không. Trong trường hợp biết hoặc có nghi vấn bị cáo đã uống thuộc độc, những người có trách nhiệm tại phiên toà phải có trách nhiệm thực hiện ngay mọi biện pháp cần thiết để cứu chữa kịp thời cho bị cáo. Không thể đặt việc xét xử lên trên tính mạng và sức khoẻ của bị cáo. Trong trường hợp cố ý không cứu giúp, họ có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ luật Hình sự”.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP HCM): “Chủ tọa phiên toà cũng như các thành viên khác của HĐXX phải có trách nhiệm về cái chết của bị cáo Loan. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc này không loại trừ bất cứ ai, đặc biệt là đối với những người đang cầm cân nẩy mực. Do vậy nếu có đủ chứng cớ xác thực chứng minh HĐXX (đặc biệt là chủ tọa phiên toà) làm ngơ khi có người báo hành vi uống thuốc tự tử của bị cáo Loan thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự vô ý làm chết người và tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm cho tính mạng (Điều 102 Bộ luật Hình sự)”.
Độc giả của VnExpress lên tiếng
Ngay khi VnExpress đăng tải loạt bài về việc bị cáo Lê Thị Thúy Loan lấy cái chết để minh oan, nhiều độc giả đã bức xúc phản hồi. Dưới đây là vài ý kiến tiêu biểu:
Mến chào VnExpress,
Tôi vừa đọc ở mục Pháp luật, bài “Bị cáo lấy cái chết để minh oan”. Sự việc là thế nào, ai đúng, ai sai? Cô Loan có thật sự là thủ phạm? Ông chủ tọa phiên tòa đã làm đúng khi không cho cô Loan đi bệnh viện dù đã uống thuốc tự tử, sắp chết? Tại sao cha cô Loan bị điếc mà cán bộ điều tra vẫn lấy được lời khai? Nếu quan tòa xét xử công minh, bênh vực cho công lý, coi trọng mạng sống một công dân thì tại sao lúc cô Loan đã uống thuốc sâu tự tử lại không cho phép cô ấy đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức? Tại sao phải để người ta ngấm thuốc đến không thể cứu chữa?
Tôi cảm ơn VnExpress đã vạch trần sự thật phũ phàng tại cơ quan pháp luật này. Tôi mong được biết diễn tiến và sự thật của vụ việc.
Thiên Vinh ([email protected])
Tôi rất bất mãn và phẫn nộ đối với thái độ của HĐXX. Bị cáo Loan do bị xử ép đã uống thuốc tự tử. Trong tình trạng gần chết đó mà HĐXX vẫn không có thái độ bảo vệ mạng sống con người. Thiết nghĩ, HĐXX đã coi thường mạng sống cũng như trách nhiệm của mình. Thử hỏi, họ có còn tư cách là người cần câm nẩy mực, bảo vệ sự công bằng của xã hội?
Pak, từ Hàn Quốc ([email protected])
VnExpress sẽ tiếp tục truyền tải những thông tin về vụ việc nghiêm trọng này.
Theo dòng sự kiện:
Bị cáo lấy cái chết để minh oan (16/6)Bị cáo tự tử tại toà (12/6)
P.L.