Cầu mong đừng bao giờ lặp lại thảm cảnh như thế

From: Thang Tran To: [email protected] Sent: Saturday, November 02, 2002 2:09 PM Subject: Dung bao gio tai dien!
Kính gửi Ban biên tập.
Nhiều ngày qua, tôi theo dõi diễn biến của thảm họa ITC với cảm xúc đau buồn và bất lực, bao nhiêu điều mà tôi muốn nói nhiều người khác cũng đã viết lên rồi, về những bài học xương máu, về sự yếu kém của lực lượng chữa cháy Việt Nam, về những chuyện khó tưởng tượng khi mà chỉ có vài chiếc thang nhỏ dựng lên bên hông toà nhà khổng lồ để làm chỗ thoát thân cho hàng trăm con người, về lòng kính trọng và biết ơn những người lính cứu hỏa cùng những con người ưu tú khác đã quên mình, về những vị lãnh đạo dám xông pha nơi lửa khói…
Điều mà tôi đã định không bao giờ viết ra chính là là cảm giác băn khoăn và thất vọng bao trùm trong tôi mấy ngày qua, là điều mà qua trang VnExpress thân thuộc, tôi muốn chia sẻ với những người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Mười mấy năm qua, vượt qua bao nhiêu biến động chính trị trên thế giới, vượt qua bao nhiêu thách thức trong kinh tế, đất nước khổ đau và yêu dấu của chúng ta đã vươn lên mạnh mẽ, tìm được chỗ đứng trên thế giới trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là TP HCM, điểm son sáng ngời trong quá trình lớn mạnh đó. Sự tiến bộ, thay da đổi thịt thể hiện từng ngày, trong cuộc sống tiện nghi, hiện đại từ nhà bếp cho đến những con đường, từ trang bị cá nhân cho đến phương tiện giao thông…
Thế mà bỗng chốc, trong cơn nguy nan, chúng ta chợt hiện ra như một kẻ yếu kém, quá ư non nớt, khác xa với những gì thường khẳng định. Chúng ta nói “lớn mạnh”, chúng ta nói “vươn tới trình độ và đẳng cấp quốc tế” trong mọi lĩnh vực. Nhưng những gì xảy ra trong thảm họa ITC thì giống hệt như gần 20 năm trước trong vụ cháy một xóm lao động đúng ngày mùng một Tết. Cũng là “thiếu trang bị” cũng là “phương tiện lạc hậu” cũng là “chưa có kinh nghiệm”, cảnh xe chữa cháy không có nước, cảnh ống nối vòi nước không lắp được, cảnh một xe chữa cháy bịt đường của các xe khác… tái diễn không biết bao nhiêu lần.
Gần đây, tôi vẫn chứng kiến cảnh diễn tập phòng cháy chữa cháy với những lốp xe cao su đốt cháy được dập bằng bao tải ướt và bình xịt cầm tay loại 6 kg. Trong khi đó, các khu công nghiệp hiện đại và cao ốc mọc lên mỗi ngày một nhiều, lẽ nào chuyện như đùa ấy lại có thật? Tôi thấy những chiếc xe chữa cháy mang nhãn hiệu CHLB Đức ở TP HCM, nhưng tại sao chúng không hoạt động được như những chiếc xe cùng loại ở Berlin? Tôi cũng thấy quảng cáo về các thiết bị báo cháy, báo khói hiện đại có mặt trên thị trường. Vậy thì vai trò của nó trong toà nhà ITC ra sao mà một số người hơn 40 phút sau khi ngọn lửa bùng phát mới được biết về phút giây định mệnh của đời mình? Rõ ràng là về tổ chức, về con người đã có một chỗ nào đó trì trệ rồi… Tôi tự hỏi, không biết rồi đây sẽ còn tái diễn bao nhiêu lần nữa, rồi lại họp, rút kinh nghiệm… Để rồi, những người lính cứu hỏa dũng cảm vẫn phải bất lực nhìn ngọn lửa đỏ thiêu đốt đồng bào trong những tòa nhà đóng kín, người thân nhìn thấy người thân kinh hoàng lụi tàn trong khói lửa hay là buông mình qua cửa sổ cho thịt nát xương tan…
Tôi tự hỏi, chúng ta có thật sự đứng ở vị trí mà đôi khi tự phong cho mình hay không? Có thật sự quan tâm đến “hiện đại hóa”, muốn vươn tới “trình độ quốc tế” hay không? Niềm tin của tôi đối với đất nước bao giờ cũng vững bền, nhưng cho phép tôi được ngờ vực về khả năng thực sự của đội ngũ phòng cháy chữa cháy Việt Nam. Xin đừng trách tôi quá tiêu cực vì tôi viết thư này với tình yêu dành cho đất nước Việt Nam, cho TP HCM yêu dấu đã ôm ấp cả cuộc đời tôi, và cho những người bạn đã bỏ mình trong thảm họa. 
Cầu mong sao đừng bao giờ lặp lại thảm cảnh như thế, mong cho những con người cần cù, lương thiện, tài năng không đột ngột bị thiêu cháy một cách oan nghiệt vì những lý do vô lý như thế nữa. Tôi nghĩ, không ai được phép lấy sinh mạng của đồng bào mình để làm bài học cả mà phải học lấy cách giữ gìn sinh mạng của đồng bào mình. 
Mong rằng thân nhân của những người bị nạn vượt qua được đau thương, giữ vững lòng tin vào cộng đồng.
Kính chào quý vị, Trần Thắng Berlin CHLB Đức

Close [X]
1gom
1gom