Các đại biểu muốn đổi mới cách thức thông qua Luật

Sự ái ngại của ông Hoàng là tâm trạng chung của rất nhiều đại biểu. Ngay như chương trình dự kiến làm luật, nhiều đại biểu cho rằng, không được tính toán, chuẩn bị kỹ càng. Quốc hội khóa X, dự kiến chương trình phải thông qua tổng cộng 104 dự án luật, pháp lệnh, chuẩn bị 23 dự án, nhưng chỉ hoàn thành được khoảng 70%. Còn khóa này, theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ, trong thời gian 2002-2007, Quốc hội phải ban hành 112 dự án chính thức và 19 dự luật thuộc chương trình chuẩn bị. “So với Quốc hội khóa trước, hình thức thông qua luật khóa này chưa có điểm gì mới, mà khối lượng công việc thì nhiều, khó mà khả thi được”, đại biểu Giàng Văn Quẩy (Hà Giang) nói.
Đại biểu Ngô Minh Hoàng (Bạc Liêu) đồng tình với ý kiến này. Theo ông, trung bình, mỗi kỳ họp, Quốc hội chỉ có thể thông qua tối đa là 5 dự luật, như vậy cả khóa họp 10 kỳ, “giỏi lắm, Quốc hội cũng chỉ thông qua được 50 dự án luật”. Thế nhưng theo tờ trình, nhiệm vụ của khóa XI phải thông qua 61 luật.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc phân bổ thứ tự dự luật thông qua cũng cho thấy việc chuẩn bị chương trình chưa ổn. Thay vì ban hành ngay những luật liên quan đến các vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc nhất như đất đai, hội nhập kinh tế thế giới… dự kiến chương trình của kỳ họp tới lại là Luật Khen thưởng nhà nước.
Về pháp lệnh, đại biểu Phạm Ngọc Thiện (Bạc Liêu) cho rằng, Nghị quyết TW 9 đã khẳng định hướng xây dựng pháp luật là giảm bớt pháp lệnh, tăng luật. Nhưng tại nhiệm kỳ 5 năm này, số dự án pháp lệnh vẫn quá nhiều. Có đại biểu còn đưa ra ý kiến, nên ghép những pháp lệnh liên quan đến nhau làm một để đỡ lãng phí tiền bạc, như dự án pháp lệnh giống cây trồng và dự án pháp lệnh giống vật nuôi.
Cùng với đề nghị giảm bớt số lượng các dự luật, các đại biểu còn yêu cầu phải có những thay đổi trong cách tổ chức, thông qua luật. “Nếu chúng ta không đổi mới thì rất có thể Quốc hội sẽ chỉ tiếp tục làm vừa lòng các bộ, ngành đệ trình dự luật”, đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Trị) nói. Theo ông, từ nhiều khóa nay, các đại biểu vẫn cho rằng: người soạn thảo luật thì chắc chắn sẽ bảo vệ lợi ích, quyền lợi của ngành mình. “Họ có những thủ thuật mà Quốc hội không biết được”. Vì vậy, để khắc phục được tình trạng này, nên chăng xem lại sự phối hợp giữa các ban ngành soạn thảo.
Theo đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa – Vũng Tàu), cách tổ chức, lấy ý kiến tranh luận, và hình thức thông qua luật của Quốc hội cần phải đổi mới. Như Quy chế hoạt động của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội mới thông qua hồi sáng nay: đại biểu đã thảo luận kỹ càng tại tổ, song rốt cục ra đến hội trường còn những tranh luận rất mất thời gian. Quốc hội dành mất gần một buổi để các đại biểu bàn cãi về câu chữ của riêng chương đầu tiên, trong khi một số vấn đề đáng được xem xét kỹ lại không làm hoặc không lý giải. Điều 39 quy định đại biểu Quốc hội được sử dụng hộ chiếu ngoại giao khi ra nước ngoài. Nếu Ban soạn thảo mời đại biểu công tác trong ngành ngoại giao góp ý thì có thể hay và thuyết phục hơn rất nhiều.
Theo bà Ninh, phải đổi mới từ cách họp tổ đến cách làm việc ở hội trường. Tại các tổ, đại biểu có thể tranh cãi từng vấn đề nhỏ, nhưng sau đó “chiết lại” những vấn đề trọng tâm và đưa ra kiến nghị cụ thể. Tới khâu xử lý ý kiến ở các tổ, ban thư ký phải rút ra những vấn đề cốt lõi, cần bàn cãi tại phiên họp toàn thể. Đoàn đại biểu nào có nhiều ý kiến gây tranh cãi thì được mời lên đưa ra quan điểm, đề nghị cùng thảo luận, chất vấn. Những vấn đề nhỏ như chính tả, câu chữ, đại biểu chỉ cần góp ý vào giấy chuyển cho ban soạn thảo. Cũng theo bà Ninh, ban soạn thảo cũng cần phải đổi mới cách tiếp thu ý kiến. “Việc thông qua Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng chí Vũ Mão tiếp thu theo kiểu cuốn chiếu. Có ý kiến của đại biểu bị bỏ qua mà không một lời giải thích”.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XI sẽ tiếp tục được các đại biểu bàn luận tại hội trường, trước khi thông qua vào cuối kỳ họp này.
Bình Yên

1gom