Hà Nội triển khai phòng chống bệnh viêm phổi lạ

030316d-1351838798_500x0.jpg
Bệnh viện Việt – Pháp tiến hành phong tỏa, cách ly từ ngay ngoài cổng.

Tiến sĩ viện trưởng Hoàng Thủy Long cho biết khác với cúm thường (người bệnh chỉ viêm nhiễm đường hô hấp trên, ít dẫn đến viêm phổi hay suy hô hấp), chứng bệnh mới có biểu hiện lâm sàng ban đầu là sốt đột ngột 38,5-40 độ, đau đầu, đau cơ, đặc biệt đau ngực, sau đó có hiện tượng suy hô hấp, kiểm tra X quang thấy rõ phổi tổn thương rất nhanh, trắng xóa. Khi bị một hoặc nhiều triệu chứng như vậy, người bệnh cần được cách ly, đưa ngay đến Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) để điều trị. Những trường hợp nghi vấn được phát hiện ở các trung tâm y tế khác cũng phải được chuyển ngay đến điểm thu dung này.
Tiến sĩ Long cho biết: “Đến nay chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng nào. Tuy nhiên cần triển khai phòng chống từ khu dân cư ngay”. Các đội phòng dịch và bệnh viện hôm nay đã được Bộ Y tế chỉ đạo nắm chắc địa chỉ bệnh nhân, khuyến cáo người thân và gia đình họ hạn chế tiếp xúc người bệnh để tránh lây nhiễm. Trường hợp cần thiết phải có khẩu trang, găng tay, mũ. Tiến hành vệ sinh cá nhân, rửa tay sau khi hắt hơi. Vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn đường hô hấp, các thuốc sát trùng tổng hợp để bảo vệ niêm mạc vùng hô hấp. Các khu nhà ở, trường học, bệnh viện tiến hành thông thoáng khí, hạn chế tập trung đông người ở phòng chật hẹp. Tăng cường sức khoẻ bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, hít thở không khí trong lành.
Hướng triển khai phòng dịch nói trên cũng đã được Bộ Y tế thông báo tới các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TP HCM – nơi bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên đã tới làm việc trước khi vào Bệnh viện Việt – Pháp điều trị, rồi về và tử vong tại một bệnh viện của Hong Kong. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng nói: “Đúng là dịch lạ lây lan nhanh, nhưng chúng ta có thể chủ động phòng chống được, không nên hoang mang”.
Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chuyên gia Pháp mới tăng cường, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã có phác đồ điều trị với 43 bệnh nhân hiện tại (30 ở Bệnh viện Việt – Pháp và 13 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới) theo hướng hồi sức tích cực, đảm bảo đủ máy hỗ trợ thở, kết hợp kháng sinh chống bội nhiễm như Cefalosporine thế hệ 3 và Doxicycline. Nhân viên y tế trực tiếp làm việc phải cách ly với khu vực khác của bệnh viện, mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, tiến hành sát trùng liên tục khu vực bệnh dịch. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới sẽ hạn chế người nhà vào chăm sóc bệnh nhân để ngăn chặn lây nhiễm, tăng cường đủ y tá, hộ lý phục vụ người bệnh.
Các nước và tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam phòng chống dịch bệnh lạ này. Chiều nay, một đoàn chuyên gia 3 người của Bộ Y tế Nhật Bản đã tới Hà Nội, mang theo cơ số hàng viện trợ trị giá 10 triệu yên (tương đương 80.000 USD), gồm 2 máy thở, quần áo và dụng cụ phòng hộ. Trước đó, WHO đã cử thêm 4 người, nâng tổng số chuyên gia giúp đỡ Việt Nam phòng dịch lên 10 người. Bộ Y tế Pháp cũng cử 6 người đưa máy móc, thuốc men sang giúp đỡ Bệnh viện Việt – Pháp. Hôm nay, những nhân viên y tế phục vụ người bệnh ở đây đã được uống bổ sung các liều thuốc phòng dịch, tăng cường sức đề kháng.
Theo WHO, cho đến nay đã có 8 nước và khu vực xuất hiện các trường hợp bị mắc bệnh về đường hô hấp do virus lạ (gọi là hội chứng hô hấp cấp tính nặng – SARS): Canada, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và đặc khu Hong Kong. Hơn 150 người được thống kê liên quan đến chứng bệnh này, trong đó ít nhất 4 người đã chết: 1 ở Hà Nội, 1 ở Hong Kong và 2 người ở Canada (là 2 người Mỹ từ Hong Kong về). WHO đã có khuyến cáo tới các hãng hàng không để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của virus lạ.
Nghĩa Nhân

Close [X]
1gom
1gom