Tony Blair vào Nhà Trắng?

Tony Blair.
Tony Blair.

Người ta bán cả đề can dán ô tô, ca uống nước và áo phông có hình Blair. Thậm chí bạn có thể ký vào một kiến nghị kêu gọi ông ra tranh cử. Người phụ trách chiến dịch, Jim Bursch, đã lập ra một trang web, ca ngợi Blair là “nhà lãnh đạo các nước nói tiếng Anh” và đăng tải những bài phát biểu của Thủ tướng cùng các bài báo viết về ông. Bursch, sống ở Los Angeles, cho biết đã nảy ra ý tưởng này, sau cuộc họp báo chung của Thủ tướng Blair và Tổng thống Bush ngày 27/3, vài hôm sau khi cuộc chiến ở Iraq bắt đầu. “Tôi đã bị Tony Blair thuyết phục ủng hộ cuộc chiến Iraq. Tôi thích phong cách rành rọt của ông ấy hơn là sự… thiếu rành rọt của Tổng thống Bush. Tôi tự nhủ: ‘Ước gì ông ta làm tổng thống của mình nhỉ’. Tôi ủng hộ cuộc chiến, nhưng không ủng hộ Bush”.
Bursch gửi cho Tony Blair một cái áo phông và ca uống cà phê in hình vận động tranh cử, nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của Thủ tướng Anh ngày 6/5. “Tôi đã nhận được thư cảm ơn do thư ký phụ trách báo chí của ông ấy gửi”, Bursch khoe. “Chiến dịch kêu gọi Blair tranh cử là nhằm biểu thị sự cảm kích đối với ông ấy, tuy có đôi chút hài hước”.

Trang web ủng hộ Blair ra tranh cử chức tổng thống.
Trang web ủng hộ Blair ra tranh cử chức tổng thống.

Thật xui xẻo cho ông Bursch, theo hiến pháp Mỹ, người muốn ra ứng cử chức tổng thống phải là công dân Mỹ. Cho dù Blair có di dân sang bên kia đại dương đi chăng nữa ông cũng chẳng có hy vọng gì, vì ứng cử viên còn phải sinh ra ở Mỹ hoặc có cha mẹ là người Mỹ. Nhưng Bursch cho rằng trong thế giới của tưởng tượng, nơi mà Thủ tướng Anh có thể ra đọ sức cùng với Bush, chắc chắn ông sẽ dễ dàng chiến thắng: “Ông ấy có những phẩm chất và chính sách được lòng đa số dân Mỹ. Blair có cái mà Al Gore thiếu mất năm 2000: sức thu hút. Ông ấy còn chứng tỏ mình có thừa khả năng để đảm bảo an toàn cho dân Mỹ trong một thế giới hậu 11/9”, Bursch nhận xét. “Blair biết giải thích những vấn đề lớn, tập trung vào những mục tiêu lớn, mà không sa lầy vào bình phẩm những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Ông giải thích đâu vào đấy, có lý luận, suy nghĩ, chứ không phải như Bush, chỉ biết càu nhàu, rên rỉ”.
Theo Bursch, nhiều người khác ở Mỹ cũng yêu mến Blair: “Cứ mỗi khi ông ấy phát biểu với dân chúng Mỹ, như mới đây trước Quốc hội chẳng hạn, thì lại có thêm nhiều người ngưỡng mộ ông ấy hơn. Phe cực hữu quý Blair vì đã ủng hộ Tổng thống Bush và nước Mỹ; phe trung dung và trung tả đánh giá cao sự quan tâm của ông ấy đối với các vấn đề an ninh; còn cánh tả thì bị ông ấy làm mất hết tinh thần. Tình hình ở nước Anh thì ngược lại, phe nào phe nấy thi nhau đả kích thủ tướng của mình. Điều này có lẽ vì cơ chế chính trị và đảng phái của hai nước khác nhau. Đảng Cộng hoà tỏ ra có kỷ luật và đoàn kết nên ủng hộ lãnh đạo của họ hơn. Đa số dân Mỹ có lẽ không biết việc đó”.
Trang web của ông Bursch có đăng một kiến nghị được 600 người ký tên, kêu gọi Blair ra tranh cử chức tổng thống. Một người bình luận: “Tôi nghĩ ngài Blair là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, một con người có trí thông minh và sự sáng suốt phi thường”. Một người khác thì nhận xét: “Tony, ông đã làm cho nước Anh trở nên vĩ đại, hãy làm điều đó ở Mỹ đi”. Nhưng không phải ai cũng khen Thủ tướng Blair cả. Có vài người Anh tình cờ ghé thăm trang web xem ra cũng thích ý tưởng này, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác. “Tôi là dân Anh đây”, một nhân vật viết. “Nếu muốn thì các vị cứ đem ông ấy đi. Làm ơn rước ông ấy đi cho chúng tôi nhờ!”
 Minh Châu (theo BBC)

Close [X]
1gom
1gom