Anh Nguyễn Hồng Nhân (ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết, cuối năm 1995, anh xin vào làm việc tại một công ty in với hợp đồng miệng. Hơn một năm, công ty xét ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho anh, nhưng sau đó phòng tổ chức cho biết anh không được ký vì hộ khẩu ngoại tỉnh.
Theo mách nước của những người làm chung, anh mượn hồ sơ của người bạn thân có hộ khẩu TP HCM. “Đầu năm 1998, tôi được ký HĐLĐ. Phòng tổ chức biết tôi mang tên giả, nhưng không nói gì bởi công ty có rất nhiều trường hợp như vậy”, anh Nhân cho biết.
Tháng 1/2002, Công ty Sc. (100% vốn đầu tư nước ngoài, ở huyện Bình Chánh, TP HCM) ký lại HĐLĐ với toàn bộ hơn 200 lao động. Trong số này có nhiều công nhân mang tên giả, và không ít người làm việc 7-8 năm vẫn chỉ là lao động thời vụ, vì không có hộ khẩu ở thành phố theo yêu cầu của công ty. Anh Nguyễn Tiến Đức (làm việc tại đây từ năm 1994), dưới tên người em họ là Nguyễn Đức Thắng, cho biết: “Công ty sẽ làm thủ tục cho thôi việc với tên cũ, rồi ký lại HĐLĐ với tên mới”.
Xung quanh cái… hộ khẩu
Trong năm 2000, hàng loạt công nhân làm việc liên tục nhiều năm nghỉ việc mà không được trợ cấp thôi việc, không có BHXH vì không có HĐLĐ. Trong thời gian nghỉ việc, họ luôn chịu thiệt thòi so với những công nhân được ký HĐLĐ: không được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, không được hưởng lương chờ việc, không được khen thưởng cuối năm…
Đầu tháng 1/2002, một số người lao động làm việc tại một công ty chế biến thực phẩm lớn ở quận Bình Thạnh khiếu nại họ làm việc 2-7 năm mà không được ký HĐLĐ, chỉ vì hộ khẩu. Phó phòng hành chính tổ chức của công ty cho rằng, đơn vị làm vậy là thực hiện chủ trương của UBND thành phố. Nếu không, người lao động từ các tỉnh sẽ đổ xô đến, kéo theo nhiều ảnh hưởng cho thành phố về an ninh trật tự, việc làm đời sống, phúc lợi xã hội…
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đã phủ nhận lập luận trên: “Thành phố không hạn chế quyền làm việc của người lao động”. Trước đây, TP HCM có quy định hạn chế lao động nhập cư, nhưng nay đã bị bãi bỏ. Hiện thành phố có 1,2 triệu lao động đến từ các tỉnh, nhiều doanh nghiệp số lao động ngoại tỉnh chiếm đến 90%, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung. Không ít doanh nghiệp còn có xu hướng tuyển dụng lao động ngoại tỉnh vì họ không ngại khó, ham học hỏi, siêng năng, chấp nhận làm những việc nặng nhọc mà lao động tại chỗ không làm.
Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư thành phố, thì người lao động có quyền làm việc ở bất kỳ nơi nào. Người sử dụng lao động viện lý do địa phương cư trú để phân biệt đối xử, không ký HĐLĐ để cắt giảm quyền lợi người lao động là vi phạm Hiến pháp và pháp luật lao động.
(Theo Người Lao Động)