10 sự kiện thế giới năm 2002

f
Người đàn ông Bali này đang cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân được siêu thoát.

1. Vụ tấn công khủng bố trên đảo Bali
Được mệnh danh là “thiên đường trên mặt đất”, mỗi năm Bali thu hút hàng triệu du khách và thu về một lượng ngoại tệ lớn cho Indonesia. Thế nhưng, vụ khủng bố kinh hoàng làm nổ tung hộp đêm nức tiếng Sari, cướp đi mạng sống gần 200 người, chủ yếu là công dân Australia, đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày yên bình trên hòn đảo. Mỹ, Đan Mạch, Đức, Anh và Australia lập tức cảnh báo công dân không đến một số nước Đông Nam Á. Thủ tướng Australia thì tuyên bố có thể đánh đòn phủ đầu nhằm vào tổ chức khủng bố ở nước ngoài, khiến hầu hết các nước láng giềng tức giận.

f
Thiên đường Bali vắng lặng.

Vụ Bali làm cả thế giới choáng váng vì mức độ thảm khốc. Nó cho thấy các tổ chức khủng bố đã thay đổi chiến lược, hướng tầm ngắm vào những mục tiêu ít được bảo vệ và dễ tấn công. Hậu quả kinh tế của vụ Bali không chỉ giới hạn ở Indonesia, mà lan rộng ra cả khu vực Đông Nam Á và ngành du lịch thế giới. Nó còn đào sâu hố ngăn cách giữa các cộng đồng Hồi giáo và những người thế tục ở khu vực, đặc biệt là Australia.
2. Mỹ thúc đẩy cuộc chiến chống Iraq
Lấy cớ trừ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ thúc ép HĐBA thông qua nghị quyết 1441, đe dọa sẽ cho Baghdad hứng chịu “những hậu quả nghiêm trọng” nếu không tuân thủ. Đoàn thanh sát quốc tế đã tới kiểm tra thực địa, trong khi Baghdad phải trình hồ sơ vũ khí lên HĐBA. Nhưng Mỹ và đồng minh Anh không dừng lại ở đó. London và Washington đang ráo riết chuẩn bị sử dụng vũ lực: triển khai hơn 100.000 lính, bộ chỉ huy và máy bay tới vùng Vịnh, tập trận với các láng giềng của Iraq, tiêm phòng vacxin cho quân nhân, đón tàu chiến của đồng minh Nhật tới Ấn Độ Dương… Không khí chiến tranh đang nóng lên từng ngày.
Nga, Pháp và Trung Quốc luôn khẳng định rằng muốn hành động vũ lực phải có sự chấp thuận của HĐBA. Nhưng, từng tuyên bố có thể hành động đơn phương, liệu Mỹ có chờ một cuộc bàn cãi dai dẳng nữa của LHQ nhằm đưa ra nghị quyết mới cho phép chiến tranh? Thế giới đang hồi hộp chờ tới ngày 27/1, khi trưởng đoàn thanh sát nộp báo cáo đầy đủ về những gì họ thấy ở Iraq, bởi đây có thể là thời điểm để Bush khai hỏa.
3. Khủng hoảng con tin ở Matxcơva

f
Lực lượng đặc nhiệm chuẩn bị tấn công, giải thoát con tin.

Hơn 50 phiến quân Chechnya mang theo khối lượng lớn bom đã chiếm giữ một nhà hát nằm cách điện Kremlin không xa. Các nữ chiến binh giắt đầy mình thuốc nổ, đe dọa sẵn sàng cho nổ tung trung tâm biểu diễn bất cứ lúc nào. 4 ngày đêm trong tay những kẻ bắt cóc, các con tin sống với nỗi lo sợ tột cùng. Gần 1.000 sinh mạng bị nhóm khủng bố đem ra mặc cả cho một yêu sách chính trị: quân đội Nga phải rút khỏi Chechnya.
Tình thế đã đặt Tổng thống Putin trước một sự lựa chọn sinh tử. Tuyên bố nước Nga không dễ quỳ gối, ông Putin hạ lệnh cho lực lượng đặc nhiệm tiến hành một cuộc giải cứu chưa từng có tiền lệ. Nhưng để đảm bảo cho lập trường cứng rắn đó, Matxcơva đã phải chứng kiến cái chết của hơn 1/10 số con tin. Vụ giải cứu đã tạo ra cái cớ để phương Tây chỉ trích Nga và cá nhân ông Putin. Tuy nhiên, ở trong nước, hầu hết người dân đồng tình với quyết định của ông chủ điện Kremlin.
4. NATO làm cuộc đông tiến lịch sử

f
Kết nạp 7 thành viên mới là sự mở rộng lớn nhất trong lịch sử NATO.

Sự mở rộng lớn nhất trong hơn 50 năm tồn tại Liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) diễn ra cuối tháng 11 với 7 nước Đông Âu gồm Estonia, Latvia, Litva, cùng Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia gia nhập. NATO cũng quyết định lập đội quân phản ứng nhanh hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên toàn cầu.
Từ đây, Nga và NATO – những cựu thù trong Chiến tranh Lạnh – có chung biên giới. Nhưng khác với năm 1999 khi Liên minh kết nạp 3 nước Đông Âu, Matxcơva không còn quyết liệt phản đối NATO đông tiến. Cuộc chiến chống khủng bố là tác nhân khiến quan hệ song phương, đặc biệt là Nga – Mỹ, trở nên ấm áp, bởi đôi bên đều tìm thấy trong đó lợi ích quốc gia. Hơn nữa, với việc lập Hội đồng hợp tác an ninh tháng 5/2002, Matxcơva đã có sức nặng trong các quyết sách an ninh của châu Âu. Minh chứng cho mối quan hệ hữu hảo này, Bush lập tức tới gặp Putin sau khi rời hội nghị.
5. Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Thế giới chấn động khi trợ lý ngoại trưởng Mỹ James Kelly tuyên bố Bắc Triều Tiên tiếp tục làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tiếp đó, hai bên liên tiếp tố cáo nhau vi phạm hiệp định 1994, dẫn đến quyết định của Mỹ và đồng minh cắt viện trợ dầu cho CHDCND Triều Tiên từ tháng 12. Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố “có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân”, nhưng không một lần nói rõ đã có hay chưa, ngay cả với đồng minh thân thiết Nga. Sau việc Mỹ giữ tàu So San chở 15 tên lửa Scud tới Yemen, người ta còn chưa hiểu Washington làm gì trước yêu cầu xin lỗi của Bắc Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng bất ngờ thông báo khôi phục nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa từ năm 1994, khiến Hàn Quốc và Nhật Bản vô cùng lo ngại.
Vấn đề hạt nhân dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên cho thấy chính sách của Mỹ ở Đông Á không thành công. Bình Nhưỡng vẫn cảnh giác cao và khẳng định cần vũ trang để tự vệ trước sự đe dọa từ Washington. Nhưng nhìn ở bình diện khác, có khả năng Bắc Triều Tiên sử dụng hạt nhân làm đối trọng trong thương thảo về kinh tế – lĩnh vực đang cải cách và mở cửa. Theo hướng này, Nhật Bản và Hàn Quốc, dù phản đối CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, vẫn nỗ lực đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ với người láng giềng, bởi điều đó mang lại lợi ích và hòa bình cho cả Đông Á và thế giới.
6. Thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc và thuyết “Ba đại diện”
Cuối năm 2002 đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng ở Trung Quốc: Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ 16. Đây được coi là kỳ đại hội quan trọng nhất trong vòng 10 năm qua ở quốc gia chiếm 1/6 dân số thế giới này. Tâm điểm của sự chú ý là cuộc chuyển giao quyền lực giữa ông Giang Trạch Dân với ông Hồ Cẩm Đào và việc đưa thuyết “Ba đại diện” vào điều lệ của đảng.

g
Ông Hồ Cẩm Đào.

Chưa bao giờ nước Trung Quốc hiện đại có một nhà lãnh đạo trẻ về tuổi đời như ông Hồ Cẩm Đào. Điều này hứa hẹn sự thành công trong cam kết hiện đại hóa về tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm theo kịp những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Thái độ hưởng ứng thuyết “Ba đại diện” do ông Giang Trạch Dân đề xuất, trong đó cốt lõi là việc đưa giới doanh nhân vào Đảng, là biểu hiện quan trọng nhất của cam kết nói trên.
7. Ấn Độ và Pakistan kề miệng vực chiến tranh
Sự kiện du kích Hồi giáo ngang nhiên tấn công một doanh trại quân đội, bắn chết 34 người tại khu vực tranh chấp Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/5 là mồi lửa thổi bùng căng thẳng vốn có trong quan hệ New Delhi – Islamabad. Trước đó, hai quốc gia láng giềng đã khẩu chiến sau vụ tòa nhà Quốc hội Ấn Độ bị tấn công (tháng 12/2001). Không thể giải quyết bất đồng, đôi bên áp dụng một loạt các biện pháp dè chừng: rầm rộ triển khai gần 1 triệu binh sĩ lên biên giới chung, gấp rút đưa tàu chiến tới sát nách đối phương, liên tục thử tên lửa hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân…
Với sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhùng nhằng trong quan hệ Ấn Độ – Pakistan rốt cuộc cũng được giải tỏa. Căng thẳng đôi bên chủ yếu bắt nguồn từ khu vực tranh chấp Kashmir. New Delhi liên tục cáo buộc Islamabad dung túng khủng bố, giúp phiến quân đột nhập và gây tội ác trên lãnh thổ Ấn Độ. Pakistan không ngừng phản bác. Mối bang giao New Delhi – Islamabad rất mong manh. Một khi vấn đề Kashmir chưa được giải quyết, nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
8. Le Pen gây biến động chính trường châu Âu

f
Ông Jean-Marie Le Pen.

Được lợi từ việc cử tri chán ngấy cương lĩnh tranh cử “quá quen thuộc và buồn tẻ” của hai ứng cử viên chính là đương kim Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin, lãnh đạo phe cực hữu Jean-Marie Le Pen bất ngờ giành được 17% số phiếu, thẳng tiến vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Đây được coi là một “cơn biến động chính trị” thực sự trên chính trường cựu lục địa. Sự trỗi dậy của ông Le Pen đã thức tỉnh thái độ thờ ơ của công dân Pháp và các nước châu Âu. Hàng triệu người đổ ra đường biểu tình. Cuộc tẩy chay “cơn địa chấn” Le Pen nhận được sự ủng hộ của nhiều giới. Ủy viên Hội đồng châu Âu Neil Kinnock thậm chí còn cho rằng ông Le Pen sẽ làm vấy bẩn môi trường chính trị châu lục.
Bước tiến của vị lãnh đạo phe cực hữu có tư tưởng phát xít mới chỉ thực sự bị chặn đứng ở vòng 2. Nhưng chừng đó đủ để nhìn nhận rằng, quan điểm phân biệt sắc tộc, bài ngoại của ông Le Pen vẫn còn một chỗ đứng nào đó. Mối liên hệ giữa người nhập cư, tội ác cùng tình trạng mất việc làm là lý do chính khiến chủ nghĩa hữu khuynh thắng thế ở một số thời điểm. Chiến thắng của ông Le Pen, dù chỉ ở vòng đầu, đã đánh động các đảng phái cánh tả phải nỗ lực đổi mới hơn, nếu không muốn bị các nhóm cực đoan loại khỏi chính trường.
9. Israel bao vây dinh thự của Chủ tịch Palestine
Ngày 19/9, xe tăng Do Thái tràn vào dinh thự của ông Arafat và đòi 20 quan chức Palestine bị cáo buộc gây ra các vụ tấn công người Do Thái, đang ẩn náu trong khu nhà, ra hàng. Đạn pháo Israel phá hủy hầu hết các tòa nhà trong khuôn viên, chỉ chừa lại duy nhất trụ sở. Lính Do Thái đào công sự, chăng dây thép gai, cô lập Chủ tịch Palestine. Arafat và các cộng sự sống trong sự căng thẳng, thiếu nước uống, lương thực và các nhu yếu phẩm. Dưới sức ép của Mỹ, 4 ngày sau, vòng vây được dỡ bỏ.
Mỹ hối thúc Israel rút quân là vì họ đang tập trung chuẩn bị cho chiến tranh chống Iraq và không muốn nhận thêm sự phản đối của thế giới Hồi giáo. Đây là lần đầu tiên Israel tấn công thẳng vào dinh thự của lãnh đạo Palestine, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực hòa bình cho khu vực Trung Đông vẫn chưa tìm được lối thoát.
10. Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia phá sản
Đầu tháng 4, tập đoàn truyền thông Kirch (Đức) xin phá sản với số nợ 4 tỷ USD. Tháng 7, Worldcom (Mỹ) bị “nắn gáy” với 9 tỷ USD trốn thuế và nợ khó đòi gần 40 tỷ USD. Tiếp đó, Qwest, Xerox đệ đơn xin rút khỏi thương trường cùng 1 tỷ USD tiền nợ; quả bom tài chính Vivendi Universal nổ tung tại Pháp sau khi lãnh đạo công ty truyền thông này bỏ túi tới 1,5 tỷ USD, mặc hãng lâm cảnh nợ nần. US Airways và United Airlines lần lượt đệ đơn phá sản trong tháng 8; American Airlines liên tục sa thải nhân viên. Khi Conseco tuyên bố phá sản cuối tháng 12, giới đầu tư giật mình với số nợ 6,5 tỷ USD – nhiều thứ ba trong lịch sử Mỹ, sau Worldcom và Enron.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, sức mua giảm sút, đặc biệt là ở châu Âu, sự rút lui của nhiều công ty lớn khiến giới đầu tư nghi ngại về hiệu quả của ngành viễn thông, hàng không, tài chính… Tâm lý này đẩy giá cổ phiếu xuống thấp, dẫn đến việc Mỹ, EU và một số nước châu Á cắt giảm lãi suất tiền tệ.
“Cho đến cuối năm 2002, thế giới vẫn không phải là chốn bình yên cho con người”, Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội Pew (Washington) nhận xét về kết quả thăm dò thái độ công chúng ở 44 quốc gia.
Năm 2003 đang tới gần cùng nguy cơ chiến tranh ở vùng Vịnh, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố hay sự nóng lên của các lò hạt nhân. Tuy nhiên, trên cái dốc vô hình mà thế giới đang đi xuống, sự kiềm chế và hòa giải có thể là điểm đổi hướng. Những đóa hoa trắng trên mặt biển Bali cùng lời cầu nguyện của người dân nơi đây, biết đâu, sẽ ứng nghiệm cho một trái đất không còn bóng ma của bạo lực và chia rẽ.
VnExpress

Close [X]
1gom
1gom