Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath |
Trợ cấp nông nghiệp từ lâu vốn là một vấn đề luôn gây tranh cãi tại các cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nước đang phát triển chỉ trích, hằng năm, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu đã bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp cho nông nghiệp và ưu đãi cho nông dân nước mình, khiến giá cả trên thế giới bị giảm xuống rất nhiều, nông dân tại các nước phát triển không có cơ hội cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thế giới
Tháng 8/2004, toàn bộ 147 thành viên WTO đã đặt bút phê chuẩn một thoả thuận khung với các cam kết xóa bỏ trợ cấp nông sản tại các nước giàu và cắt giảm hàng rào thuế quan trên toàn thế giới. Sau gần 1 năm thoả thuận trên được ký kết, các nước G20 vẫn chưa nhất trí hoàn toàn với một số điều khoản.
Trước thềm cuộc họp ngày 18/3, Ấn Độ, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong G20 đã kêu gọi các nước đang phát triển hãy hợp sức với nhau trong cuộc chiến đòi xoá bỏ trợ cấp nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath, các quốc gia giàu có phải hiểu được rằng, ở những nước như Ấn Độ, nông nghiệp có vai trò rất quan trọng, liên quan mật thiết đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người.
“Nông dân Ấn Độ có thể cạnh tranh được với nông dân Mỹ, nhưng họ không thể “đấu” được với Chính phủ nước này. Nông dân Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tài chính và đương nhiên là sản phẩm họ bán ra sẽ có giá rẻ hơn”, ông Nath bức xúc nói.
Cuộc họp tại New Delhi cũng sẽ đề cập tới chiến lược và vị trí của G20 với việc đảm bảo những cuộc đàm phán thương mại đa phương trong khuôn khổ cuộc họp Bộ trưởng WTO tại Hong Kong vào cuối năm nay, và các biện pháp thúc đẩy đàm phán thương mại tự do của WTO.
G20 bao gồm các thành viên: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bolivia, Chile, Cuba, Ai Cập, Guatemala, Indonesia, Mexico, Nigeria, Paraguay, Philippines, Nam Phi, Tanzania, Thái Lan, Venezuela và Zimbawe.
Kiều Giang (theo AFP)