Hôm nay, xét xử vụ buôn lậu lớn nhất miền Bắc

ắccds
Bắt hàng lậu tại Lạng Sơn

Cuối năm 2001, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an mật phục, bắt quả tang 7 ôtô chất đầy linh kiện, phụ tùng xe máy Trung Quốc đang di chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội. Toàn bộ lô hàng không có hóa đơn chứng từ… Đêm 16 rạng sáng 17/6/2002, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 23 ôtô vận chuyển hàng lậu.
Các lái xe khai, hàng được lấy tại khu vực Hang Dơi (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) và người thuê chở là Đặng Xuân Thanh cùng Nguyễn Đình Tuấn… Đến mỗi khu vực lại có một “hoa tiêu” dẫn đường cho tài xế. Theo thỏa thuận, địa điểm dỡ hàng là một số điểm lắp ráp xe máy ở Hà Nội và Hưng Yên… Từ manh mối này, một đường dây buôn lậu quy mô lớn nhất miền Bắc đã bị phanh phui. Một trong những chủ hàng là anh em Nguyễn Văn Trường – Nguyễn Văn Chiến. Chỉ trong vòng 1 năm (4/2001 – 4/2002), họ đã tổ chức buôn lậu gần 2.400 điều hòa nhiệt độ, gần 4.500 đầu đĩa và nhiều mặt hàng khác. Tổng giá trị gần 11 tỷ đồng. Công việc vận chuyển, 2 anh em Trường giao phó cho Đặng Xuân Thanh tổ chức. Thanh phân công theo từng tổ với sự phân chia rất chuyên nghiệp: tổ nhận hàng tại Trung Quốc, tổ vận chuyển về Việt Nam tập kết tại kho bãi hoặc khu vực Hang Dơi, tổ ghi hàng, tổ trông coi – bốc xếp vào kho, tổ cảnh giới. Việc vận chuyển hàng của Thanh khi cao điểm có tới 20-30 ôtô di chuyển từ Hang Dơi về Lạng Sơn rồi tỏa đi các nơi khác. Thời gian hoạt động của tổ chức này chủ yếu vào ban đêm, bắt đầu từ 22h đến sáng hôm sau. Hàng cồng kềnh, đắt tiền thường được chuyển đi trước. Các đệ tử của Thanh còn được trang bị bộ đàm để liên lạc, chỉ đạo chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Để vận chuyển hàng trót lọt, các đối tượng bị bắt khai thường xuyên phải chi tiền lót tay cho nhân viên ở Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt đóng ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Tùy mỗi chuyến hàng, khi ít 200.000 đồng/xe, nhiều 1.000.000 đồng/xe. Đến trạm, ôtô dừng lại, nhân viên ra kiểm tra xem chở hàng gì rồi ghi vào mảnh giấy nhỏ đưa cho tài xế (hoặc chủ hàng) mang vào trạm đưa cho cán bộ trực. Lúc này, giá tiền “làm luật” được thông báo. Nộp xong, nhân viên thu tiền xé đôi mảnh giấy, giao một nửa cho tài xế để trình với nhân viên gác barie. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là lời khai 1 phía, chưa đủ căn cứ kết luận. Nhưng trách nhiệm để lọt hàng lậu thuộc về cán bộ phụ trách trạm Dốc Quýt.

Cơ quan điều tra đánh giá, về mặt hình thức, Thanh không phải là chủ hàng vì không bỏ tiền mà chỉ cầm đầu đường dây vận chuyển. Nhưng Thanh biết đó là hàng Trung Quốc nhập lậu nên đủ cơ sở kết luận đối tượng và những trường hợp khác là đồng phạm buôn lậu với vai trò chủ mưu tổ chức vận chuyển. Hành vi của Thanh diễn ra trong thời gian dài, đưa trái phép lượng lớn hàng hóa vào Việt Nam. Vì lẽ đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Đặng Xuân Thanh, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Chiến và 24 người khác về tội buôn lậu. Trưởng trạm kiểm sát liên ngành Dốc Quýt Nguyễn Tiến Hảo cùng 2 cấp phó Lương Minh Huấn, Nguyễn Quang Minh và cán bộ quản lý thị trường Bùi Trí Vinh bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 7 đối tượng khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong 38 bị cáo hầu tòa có 10 người là lái xe.
Liên quan trách nhiệm để xảy ra tình trạng buôn lậu ngang nghiên trên địa bàn, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự một số cán bộ Đội chống thất thu của tỉnh Lạng Sơn, Công an huyện Văn Lãng và cán bộ chi cục hải quan Cốc Nam… Theo lời khai của Đặng Xuân Thanh, để làm ăn trót lọt ở khu vực Hang Dơi, Thanh phải đưa hối lộ một số cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh. Hằng ngày vẫn có chiến sĩ tuần tra tại khu vực Hang Dơi nhưng hoạt động buôn bán hàng hóa bất hợp pháp vẫn diễn ra tấp nập. Lực lượng biên phòng ở đây không hề có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an giao phần liên quan bộ đội biên phòng cho cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Những trường hợp này sau đó đã bị xử lý hành chính nội bộ.
Anh Thư

Close [X]
1gom
1gom