“Thần Châu Ngọc Việt” đưa ánh ngọc lên các bức tranh

a
Một bức tranh ngọc.

Tranh ngọc toát lên một vẻ đẹp độc đáo dưới ánh sáng thích hợp. Các hạt ngọc li ti sáng lấp lánh, tạo cho bức tranh một cảm giác lung linh. Độ bền màu là một điểm đáng chú ý khác của các tác phẩm nghệ thuật này. Với sắc màu vĩnh cửu của trời đất kết tinh qua hàng chục triệu năm, tranh ngọc đã khắc phục được những khó khăn cố hữu trong việc bảo quản và phục chế tranh mực tàu hay sơn dầu. Hơn nữa, tranh ngọc có tới hàng chục tông màu khác nhau, từ màu đỏ tươi của ruby Yên Bái đến màu thiên thanh của saphire Lâm Đồng, từ sắc hồng nhạt của tuôcmalin Lào Cai đến vị cỏ non của peridot Kontum.
Theo ông Đào Trọng Cường, Giám đốc Công ty Thần Châu, đơn vị đầu tư chế tác loại tranh này, lượng ngọc đủ để tạo một bức tranh có thể dao động từ 300 gram đến 5 kg. Trong khi đó, để có 100 gram ngọc nhỏ như hạt kê, phải đãi mất hàng tháng ròng. Một bức tranh hoàn thiện còn đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật chuyên môn cao, kết hợp với óc thẩm mỹ và sự tỉ mỉ để gắn hàng triệu viên ngọc lên các tấm nền đã được khắc hình và phủ một lớp keo đặc biệt.
Ý tưởng làm tranh ngọc đã giúp tận dụng được một lượng lớn các loại ngọc và đá quý không thể dùng làm trang sức được nữa. Trước đây, loại này chỉ được xuất khẩu với giá thành rất thấp. Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc cho VnExpress biết: “Đây là một ý tưởng độc đáo, góp thêm vốn quý cho làng nghề thuyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải phát triển toàn diện ý tưởng này với một loại nghệ thuật tạo hình thích hợp. Chúng ta không thể mãi dùng ngọc tái tạo lại tranh Đông Hồ vì hồn của loại tranh này là giấy dó và màu dân tộc”.
Thần Châu Ngọc Việt sẽ tiếp tục mở cửa trong 20 ngày. Theo kế hoạch, tranh ngọc Việt Nam sẽ lên đường sang Singapore vào 3/2003.
Mỹ Linh

1gom