Bi kịch của một tiểu thương trong hành trình tố tụng

Bà Huỳnh Thị Oanh, tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP HCM) gửi đơn khiếu nại đến Công an quận Bình Thạnh, ngày 30/10/1996. Theo đó, hai bạn hàng là bà V. và bà L. đã chiếm đoạt của bà Oanh gần 280 triệu đồng tiền quần áo may sẵn. Hơn 2 tháng sau, cơ quan công an thông báo: Vụ việc mang tính chất dân sự, không thể khởi tố hình sự và đã chuyển hồ sơ sang TAND quận Bình Thạnh. VKSND quận Bình Thạnh khi nghiên cứu hồ sơ đã khẳng định, thông báo trên là bỏ lọt tội phạm và tiến hành khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân. Song, do số tiền bị chiếm đoạt trong vụ này quá lớn, nên toàn bộ hồ sơ phải chuyên lên cấp thành phố có thẩm quyền để điều tra.
Mất thêm 6 tháng nữa, ngày 15/9/1997, VKSND TP lại đình chỉ vụ án và chuyển giao hồ sơ sang Tòa dân sự TAND TP, vì thấy không có dấu hiệu tội phạm.
Thất lạc vật chứng
Đến đây, Tòa dân sự lại phát hiện ra chuyện… trớ trêu: Quyển sổ ghi việc giao nhận tiền của bà Oanh và hai bà V. và L., chứng cứ quan trọng của vụ án, đã bị thất lạc trong “hành trình tố tụng” kể trên. Cơ quan này liền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, mà theo bà Oanh kể lại: “Giống như gáo nước lạnh tạt vào mặt”.
Nhận được đơn khiếu nại của bà Oanh, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ vụ án của TAND TP và trả hồ sơ về cho cấp này thụ lý lại. Tòa cho rằng, hầu hết lời khai cũng như các bản tường trình viết tay của bà L. (ghi sổ sách cho bà V.) đều xác nhận rằng chưa thanh toán số tiền trên cho bà Oanh. Số tiền ấy cũng được các bên đương sự xác nhận sau khi đối chiếu sổ sách với nhau. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án còn có phiếu chi cập nhật những lần bà V., L. thanh toán tiền cho bà Oanh, đã được cơ quan điều tra lưu vào hồ sơ, có chữ ký và ghi lời xác nhận của bà L., được đánh số bút lục… Theo tòa này, với hệ thống chứng cứ đó, có thể giải quyết được vụ án mà không cần phải tìm quyển sổ bị thất lạc.
Thụ lý lại vụ án, Tòa dân sự TAND TP đã điều tra, triệu tập đương sự ra xét xử. Bản án ngày 18/4/2000 buộc bà V. và L. trả cho bà Oanh toàn bộ số tiền nói trên cộng với lãi suất.
Tòa án: Lúc tả, lúc khuynh
Nhưng đến phiên phúc thẩm hồi cuối tháng 3 vừa qua (theo yêu cầu của bị đơn), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM lại sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi nợ của bà Oanh vì: “Đương sự không cung cấp được chứng cứ đòi nợ”.
Thế là sau 5 năm theo kiện, lúc “lên voi, xuống chó”, bị hại Huỳnh Thị Oanh lại quay về điểm ban đầu, mất trắng số tiền lớn vì lỗi của “hành trình tố tụng” là làm thất lạc vật chứng. Bà Oanh chỉ còn niềm “an ủi” là được tòa chiếu cố hoàn cảnh khó khăn mà miễn án phí.
(Theo Thanh Niên, 13/6)

Close [X]
1gom
1gom