Trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên Kim Ryong Song (trái) và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se-hyun. |
Tuyên bố của phía CHDCND Triều Tiên nhắc lại thỏa thuận lịch sử mà lãnh đạo hai nước ký ngày 15/6/2000, về việc tiến hành những đợt đoàn tụ các gia đình bị ly tán hồi chiến tranh 1950-1953.
Chuyến đi của phái đoàn Bắc Triều Tiên đánh dấu một sự kiện quan trọng: Hai miền đã nối lại quá trình thương lượng sau một thời gian dài căng thẳng, mà đỉnh điểm là vụ tàu chiến hai nước xung đột trên Hoàng Hải, ngày 29/6.
Chương trình nghị sự của vòng đàm phán mới có nội dung tổ chức thêm nhiều cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong cuộc chiến 1950-1953, nối lại tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa hai miền (đã bị cắt đứt từ trước chiến tranh) và hợp tác thực hiện những dự án kinh tế ở CHDCND Triều Tiên. “Còn nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng đàm phán lần này có thể mang lại những kết quả nhất định”, Park Sun-sook, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung, nói.
Ra đón đoàn Bắc Triều Tiên là Thứ trưởng Bộ Tài chính Kinh tế Hàn Quốc Yoon Jin-shik. Ông tuyên bố, hai bên sẽ xác định một địa điểm họp mặt lâu dài cho thân nhân các gia đình bị ly tán, và giúp họ tăng cường liên lạc qua lại.
Về phía CHDCND Triều Tiên, trưởng đoàn đàm phán Kim Ryong Song phát biểu: “Chúng ta phải kết hợp một cách hiệu quả các nỗ lực để mang lại hạnh phúc cho đất nước ta, không chỉ trong việc đoàn tụ các gia đình Triều Tiên”. Qua câu nói này, giới quan sát nhận thấy có vẻ như Kim Ryong Song coi hai miền Triều Tiên đều thuộc về một nước.
Thời gian qua, CHDCND Triều Tiên đã có nhiều cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật. Tại diễn đàn an ninh châu Á tổ chức hồi đầu tháng, họ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Nhật Bản và chấp nhận đón tiếp một phái đoàn đặc biệt của LHQ do Mỹ dẫn đầu sang thăm.
Theo thông tin mới nhất, cuộc họp giữa 2 bên bị hoãn lại (không rõ bao lâu), do bất đồng về thời gian biểu.
T.D.K. (theo AP)