Rừng Bình Thuận bị phá, 2 giám đốc lâm trường mất chức

Chính quyền tỉnh cũng cách chức toàn bộ thành viên Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Biển Lạc – Núi Ông và điều ông Hồ Hoàng Kiếm, Hạt trưởng Kiểm lâm khu Lê Hồng Phong về lãnh đạo Ban quản lý kể từ ngày 10/8.
2 năm qua, tại khu bảo tồn và 2 lâm trường Sông Dinh, Tánh Linh liên tục xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn. Như hồi tháng hai, 60 m3 gỗ quý bị chặt hạ trái phép, tập kết cách cổng Lâm trường Tánh Linh có 500 m. Tới tháng 6, xảy ra việc phá rừng lớn ở tiểu khu 313, 315 Tánh Linh, kiểm lâm tìm thấy hơn 100 m3 gỗ bị đốn hạ chưa kịp tẩu tán. Điều tra vụ này, cơ quan công an lại phát hiện ra vụ án hồi tháng 4, với hơn 100 m3 gỗ quý ở Sông Dinh và khu Biển Lạc – Núi Ông bị chặt hạ. Chủ tịch huyện Tánh Linh Phạm Văn Chính và Chủ tịch huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Ngọc Phi đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Lâu nay, việc điều tra, xử lý các hủy hoại rừng, mua bán, khai thác lâm sản trái phép được tiến hành rất chậm trễ. Công an chưa kiên quyết, chưa đánh trúng đối tượng cầm đầu như chủ đầu nậu gỗ, các vựa mua bán gỗ, người thuê công nhân chặt cây… Các cơ quan chức năng Bình Thuận đã khởi tố 30 vụ án nhưng chưa khởi tố được bị can nào. Đây là một nguyên nhân dẫn tới nạn phá rừng tràn lan. Vì vậy, Chủ tịch Huỳnh Tấn Thành yêu cầu Công an và VKSND tỉnh tự kiểm điểm; và chỉ đạo Công an, VKSND 2 huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh làm rõ trách nhiệm từng cơ quan trong điều tra, khởi tố, đấu tranh ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật.
Trong công văn nêu trên, ông Huỳnh Tấn Thành nhấn mạnh: “Từ nay trở đi, tập thể cá nhân nào để xảy ra phá rừng nghiêm trọng là cách chức ngay hoặc chuyển sang đơn vị khác. Những cán bộ này không được giao làm công tác quản lý bảo vệ rừng và các công việc liên quan”.
Triệu Minh

Close [X]
1gom
1gom