Ông Arafat khi là Chủ tịch PLO năm 1964. |
Năm 1948: Arafat tham gia Chiến tranh Trung Đông khi Anh rút khỏi vùng lãnh thổ uỷ trị Palestine. Chiến tranh chia cắt đất nước và hàng trăm nghìn người Palestine phải đi lánh nạn.
Năm 1949: Arafat trở lại Cairo.
Năm 1952: Là sinh viên ĐH Cairo, ông Arafat đứng đầu Liên đoàn Sinh viên Palestine.
Tháng 8/1956: Giành quy chế thành viên cho Palestine ở hội nghị Đại hội sinh viên quốc tế ở Praha, Tiệp Khắc. Lần đầu tiên, ông Arafat đội khăn trùm đầu Palestine – điểm đặc trưng của nhà lãnh đạo.
Năm 1958: Giúp sáng lập phong trào Fatah, với mục tiêu giải phóng người Palestine.
Tháng 5/1964: Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập. Fatah hoạt động dưới tổ chức này và chiếm ưu thế trong PLO.
Ngày 21/3/1968: Quân đội Israel tấn công căn cứ PLO tại Karameh, Jordan, gây tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, sự kiện này được coi là thắng lợi với Arafat và tổ chức; hàng nghìn người gia nhập PLO.
Ngày 4/2/1969: Arafat đảm trách ghế chủ tịch PLO, đưa sự nghiệp giải phóng Palestine nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1972: Một số thành viên của PLO tấn công các vận động viên Israel tham gia Olympic 1972 ở Munich, làm 11 vận động viên thiệt mạng.
Ngày 13/11/1974: Arafat phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngày 6/6/1982: Israel xâm chiếm Libăng nhằm dập tắt PLO. Arafat và các cộng sự phải trốn khỏi Beirut.
Ngày 1/10/1985: Arafat may mắn thoát chết trong cuộc không kích của Israel nhằm vào trụ sở PLO tại Tunis, Tunisia.
Năm 1987: Người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza nổi dậy. Arafat tuyên bố ủng hộ cuộc nổi dậy.
Ngày 12/12/1988: Arafat chấp nhận quyền tồn tại của Israel, lên án chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 17/7/1990: Arafat bí mật kết hôn với nữ thư ký Suha Tawil, 28 tuổi, ở Tunis, Tunisia. Con gái của họ, Zahwa, sinh ngày 24/6/1995 tại Paris.
Ngày 7/4/1992: Arafat sống sót sau khi máy bay hạ cánh xuống sa mạc Libya trong cơn bão cát. Hai phi công và một kỹ sư thiệt mạng, nhà lãnh đạo Palestine bị thương.
Ngày 13/9/1993: Israel và Palestine ký hiệp định ở Oslo, Na Uy, về quyền tự trị của Palestine. Theo đó, ông Arafat được kiểm soát phần lớn Dải Gaza và 27% Bờ Tây. Nhà lãnh đạo Palestine bắt tay với Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin tại hành lang Nhà Trắng.
Ngày 1/7/1994: Arafat lần đầu tiên đặt chân lên đất Palestine sau 26 năm.
Ngày 10/10/1994: Nhà lãnh đạo Palestine giành giải Nobel Hoà bình cùng Thủ tướng Israel Rabin và Ngoại trưởng Shimon Peres.
Ngày 20/1/1996: Arafat đắc cử là Chủ tịch chính quyền Palestine trong cuộc bầu cử đầu tiên của Palestine.
Ngày 15/1/1997: Chủ tịch Arafat và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký hiệp định về việc Israel rút khỏi 80% thành phố Bờ Tây Hebron.
Ngày 11/7/2000: Tìm kiếm thoả thuận hoà bình cuối cùng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton triệu tập “Trại Daivd II”, trong đó ông họp riêng với Thủ tướng Israel Ehud Barak và Arafat trong 9 ngày. Sau đó, Nhà Trắng tuyên bố hội nghị cấp cao đã thất bại.
Ngày 28/9/2000: Thủ lĩnh phe đối lập Israel Ariel Sharon thăm ngôi đền thiêng với cả người Do Thái và Hồi giáo tại Jerusalem. Diễn biến này dẫn tới các cuộc đụng độ rồi phong trào nổi dậy Palestine thứ hai.
Ngày 3/12/2001: Sau 3 vụ đánh bom tự sát, Israel phá huỷ 3 trực thăng của Arafat tại Thành phố Gaza, giam lỏng ông ở thành phố Bờ Tây Ramallah.
Ngày 24/6/2002: Bên cạnh Thủ tướng Israel Sharon, Tổng thống Mỹ George W. Bush kêu gọi người Palestine thay thế Arafat.
Ngày 21/10/2003: Arafat bị chẩn đoán là nhiễm sỏi mật.
Ngày 27/10/2004: Các quan chức Palestine cho biết nhà lãnh đạo bị suy sụp và ngất.
Ngày 28/10: Các bác sĩ thông báo nhà lãnh đạo Palestine cần được điều trị tại Paris sau khi xét nghiệm máu cho thấy ông bị bạch cầu.
Ngày 29/10 Lần đầu tiên rời đi kể từ khi bị giam lỏng ở Ramallah, ông được đưa tới bệnh viện quân y gần Paris.
Ngày 9/11: Tình hình sức khoẻ của Arafat xấu đi, ông hôn mê sâu hơn.
Ngày 11/11: Chính quyền Palestine thông báo Chủ tịch Arafat từ trần.
Nguyễn Hạnh (theo Seattle Times)