Trung Quốc vung tiền mua an ninh năng lượng?

Các chuyến đi đó nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp dầu và một số loại nguyên liệu thô mà nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc cần đến. Tháng trước, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào công du Nam Mỹ, Argentina đã ký được các hợp đồng trị giá 20 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực đường sắt và khai thác năng lượng, với Trung Quốc. Brazil cũng không kém cạnh khi Bắc Kinh đồng ý xây dựng các tuyến đường sắt và ống dẫn dầu giúp nước này đưa tài nguyên ra thị trường.
Một số người cho rằng các chuyến công du kết hợp với ký kết các hợp đồng mua sắm này là biểu hiện của sức mạnh, thậm chí là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ kinh tế thực sự của Mỹ. Song nhiều nhà phân tích cho rằng hoạt động tìm kiếm tài nguyên và đặc biệt là việc sẵn sàng trả mức giá cao là sự báo hiệu những điểm yếu và đe doạ về an ninh quốc gia đối với Trung Quốc.
Nỗi lo của Bắc Kinh, đặc biệt là trên thị trường năng lượng, bắt nguồn từ việc các công ty phương Tây đã có vị trí vững chắc tại các khu vực có trữ lượng dầu lớn đồng thời có ưu thế vượt trội so với các nhà sản xuất của Trung Quốc về mặt tài chính. Trung Quốc cũng coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở một số vùng như Iraq, Afghanistan và Uzbekistan là một phần nỗ lực nhằm kiểm soát những khu vực có trữ lượng dầu lớn.
“Trung Quốc có thể cạnh tranh tại những thị trường có đối thủ nhỏ chứ không thể với những đối thủ mạnh”, Andrew Thompson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, nhận định. “Cách làm của họ có thể coi là hoang tưởng. Có thể coi đó là điểm yếu của họ”. 
“Trung Quốc muốn kiểm soát mọi khía cạnh của những gì họ cần. Tuy nhiên, thực tế là họ chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên toàn cầu”, Thompson bình luận.
Một số quốc gia nơi Trung Quốc ký kết các hợp đồng mua dầu đắt đỏ cũng là những nhà sản xuất lớn, ví dụ Iran. Bắc Kinh đã ký hợp đồng trị giá 200 tỷ USD với Tehran tháng trước.
Trung Quốc ký một hợp đồng trị giá một tỷ USD với Brazil trong đó gồm việc xây đường ống dẫn. Một số nhà phân tích cho rằng khoản đầu tư này gấp 3 lần giá trị thực của số dầu đó.
Trung Quốc cũng đầu tư lớn vào hoạt động tìm kiếm, khoan và chuyên chở khoảng 70.000 thùng dầu mỗi ngày. Tại Angola, Bắc Kinh mới đây cũng ký hợp đồng 2 tỷ USD để khai thác một giếng dầu có sản lượng chỉ 10.000 thùng/ngày.
Nếu mức giá mà Trung Quốc chi trả quá cao, nền kinh tế thế giới sẽ gánh chịu hậu quả.
Công ty quốc doanh Minmetals của Trung Quốc đang đấu giá để mua Noranda của Canada, nhà sản xuất kẽm lớn thứ ba và là nhà sản xuất đồng thứ chín trên thế giới với mức giá đưa ra là 5,5 tỷ USD. Người ta cho rằng Minmetals có thể phải gánh cả những món nợ của Noranda và những khoản đó không thể hiện trên giá bán đã công bố. Jason Kindopp, chuyên gia phân tích về Trung Quốc của Eurasia Group, công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại New York, cho rằng mức giá này được đưa ra xuất phát từ suy đoán rằng giá nguyên liệu sẽ ở mức cao.
Tuy nhiên Kindopp cảnh báo rằng có thể một ngày nào đó Trung Quốc rơi vào tình trạng giữ các hợp đồng mua với giá rất cao, trong khi thị trường nguyên liệu toàn cầu suy thoái, như Nhật từng trải qua sau khi trả tiền quá cao cho các món tài sản trên thị trường quốc tế trong thời kỳ nền kinh tế của họ phát triển nhảy vọt những năm 1980. Sự khác biệt giữa Nhật ở thời điểm đó và Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế của Nhật được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để chịu đựng các cú sốc như thế.
“Nền kinh tế Trung Quốc quá mất thăng bằng tại thời điểm này, phụ thuộc quá lớn vào đầu tư so với tiêu dùng. Đây có lẽ là quốc gia mất cân bằng nhất trong lịch sử nhân loại”, Kindopp nói.
“Trung Quốc hiện trả mức giá đỉnh cho hàng hoá và nếu nền kinh tế của họ sẩy chân thì chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giá đáng kể và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.
Ngọc Sơn (theo IHT)

1gom