Học sinh Việt Nam đang bị quá tải với việc học

From: Nguyen kim AnhTo: [email protected] Sent: Sunday, October 19, 2003 2:11 PM Subject: Co toi lon voi tre em neu khong thuc su cai cach nen giao duc Viet nam
Tôi chỉ xin nói về một điều đã cũ ” như trái đất”, đó là sự quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Một thực tế hiện nay là hầu như phần lớn phụ huynh học sinh đều nhận thấy gánh nặng của con mình trong việc hoc hành. Có thể nói rằng: từ khi “dấn thân ” vào con đường học hành thì các cháu cũng bắt đầu “chịu trận” với các áp lực: từ nhà trường, từ bố mẹ … Các cháu dần mất đi niềm vui của trong việc học hành, mà chỉ thấy nó là một trách nhiệm, một gánh nặng. Nhiều cháu tuy đang học tiểu học nhưng “chỉ được xem tivi vào tối thứ 7”. Các ngày còn lại thì đã được lên kế hoạch chặt chẽ, hầu như đêm nào các cháu cũng phải vội vàng đi ngủ ngay sau khi làm xong bài tập về nhà (sau 1 ngày 8h học ở trường) để sáng mai còn kịp dậy đi học. Tôi có cảm giác như không gian sống của các cháu, cuộc sống của các cháu chật hẹp quá. Điều này giải thích tại sao “72% học sinh khá giỏi có vấn đề về thể chất, tâm thần và có tâm lý hướng nội” – ( Báo Lao Động ).
Các cháu thu được những gì từ việc học ở trường? Tôi cho rằng các cháu cũng học đươc khá nhiều kiến thức và kỹ năng từ sự nhồi nhét của các thầy cô giáo. Nhiều cháu chỉ nhìn qua một bài toán đã phân biệt ngay được dạng bài và cách giải, có thể nói làu làu ngay được như thế nào là biết thương yêu giúp đỡ ông bà… Nhưng có thể nói rằng các kiến thức này ở trong đầu các cháu ở dạng thụ động. Lý do tại sao? Câu trả lời tưởng quá đơn giản: hầu như tất cả các kiến thức truyền đạt từ nhà trường đều mang tính áp đặt, một chiều: chỉ có các thầy nói, học sinh nghe. Không có yếu tố thảo luận, tương tác giữa thầy và trò, không có chất men kích thích yếu tố sáng tạo, tự tìm tòi, tự khám phá. Các cháu như rơi vào một thế giới được quy định sẵn, và nhiệm vụ của các cháu là nhớ và hiểu các quy luật sẵn có đó. Bằng cách dạy và học này, không những chúng ta đang giết chết trí tưởng tượng của các cháu, mà “kiến thức thì quan trọng, nhưng trí tưởng tượng còn quan trọng hơn”- A. Anhxtanh, mà chúng ta còn tước đi phần tươi đẹp nhất của các cháu, đó là được sống lành mạnh, hồn nhiên, vui tươi.
Tôi đã tìm hiểu nền giáo dục ở một số nước như Mỹ, Úc. Ở đó, các cháu được học và phát huy đúng theo khả năng của bản thân mình. Các cháu luôn được giáo viên động viên, khích lệ khi có tiến bộ hoặc có cố gắng để tiến bộ. Vì vậy các cháu, kể cả các cháu kém hơn, cảm thấy tự tin và muốn cố gắng. Việc học trở thành môt niềm vui – điều này quan trọng hơn nhiều người thoạt tưởng, nó không những làm việc học hành trở nên nhẹ nhàng hơn, mà còn làm cho các cháu có một cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống phía trước. 
Tóm lại, tôi cho rằng, chúng ta nên cải cách theo 2 hướng: thứ nhất là cải cách phương pháp dạy học thụ động, một chiều như hiện nay. Hai là: thanh lọc bớt chương trình học, đừng quá tập trung vào việc rèn luyện các kỹ năng (chẳng hạn như: cách nhân 1 số với 9, nhân một số với 11, cũng đã thành một tiết học Toán trong chương trình Toán lớp 4, mà lẽ ra chỉ cần giáo viên nhắc qua như một thủ thuật nhỏ, hay như các bài trong môn kỹ thuật ở các lớp tiểu học mà chủ yếu là luyện tay cho cac bậc phụ huynh hơn là cho các cháu).
Đây là ý kiến của cá nhân tôi, thiết tha được các bạn đọc lên tiếng nhiều hơn nữa để các thế hệ con cháu Việt Nam được hưởng một nền giáo dục ngày càng tốt đẹp hơn.

Close [X]
1gom
1gom