Đạo diễn Khải Hưng: ’Phim Tết không khéo làm, dễ nhạt’

Đạo diễn Khải Hưng.
Đạo diễn Khải Hưng.

– Tết này sẽ có bao nhiêu phim truyền hình được chiếu trên màn ảnh nhỏ?
– Năm nay Trung tâm sản xuất phim truyền hình có tất cả 5 phim Tết, trong đó có 3 phim hài và 2 phim tình cảm tâm lý. Làm phim Tết rất khó, phải vui vừa nhẹ nhàng, không động chạm, không xỏ xiên, không đánh nhau… Ai cũng trốn làm phim Tết vì với yêu cầu về nội dung như vậy, nếu làm không khéo rất dễ bị nhạt và nhàm. Không ai làm thì tôi đứng ra nhận.
– Ông đánh giá thế nào về phim Tết của mình?
– Ngôi nhà cổ tích của tôi là một câu chuyện nhỏ về cuộc sống. Một đôi vợ chồng đang sống hạnh phúc trong ngôi nhà tre, nhưng do những nhu cầu về vật chất – người chồng phá bỏ đi và xây trên nền đó một ngôi nhà khang trang khác. Từ đó hạnh phúc cũng đổ vỡ. Người chồng bỏ đi. Người vợ ở lại nuôi con một mình, và luôn tin chắc rằng một ngày kia, người chồng sẽ trở về. Hằng ngày chị vợ viết thư cho chồng và bỏ vào thùng thư trước cửa, niềm tin càng được khẳng định hơn khi những bức thư luôn được lấy đi mà thùng thư chỉ có hai vợ chồng có chìa khoá… Cuộc sống sẽ cứ như thế trôi đi, cho đến một ngày người vợ hiểu ra đâu là gốc nguồn của hạnh phúc. Hạnh phúc đã đến với mẹ con chị vào buổi chiều muộn, nhá nhem tối của một đêm giao thừa… Phim sẽ được phát sóng vào đúng chiều tối đêm 30, tôi hy vọng sẽ đem lại không khí ấm cúng hơn với người xem.
– Kinh phí làm phim Tết khác thế nào so với phim Văn nghệ chủ nhật hàng tuần?
– Hơn được 5 triệu đồng vì nó là phim một tập, nhưng chi phí cho cả một êkíp như vậy thì không bõ bèn gì. Một tập phim Văn nghệ chủ nhật được 100 triệu đồng bao gồm cả máy móc, lương, chi phí sản xuất… Nếu tính kinh phí cho riêng bộ phim thì chỉ còn khoảng 40 triệu đồng cho một tập phim truyền hình, một số tiền phải nói là quá ít!
– Có đạo diễn từng nói “Ngày Tết là để vui chơi, ai người ta xem truyền hình, nên phim Tết cũng chỉ cần… đơn giản thôi”. Ông nghĩ sao về điều này?
– Tết là những ngày nông nhàn nên với những người dân ở nông thôn thì tôi nghĩ truyền hình là niềm vui chủ yếu. Phim truyền hình không thể rầm rộ, náo nhiệt vì không bán vé, không thu tiền… Chúng tôi chỉ giản dị phát sóng trên màn ảnh nhỏ để phục vụ bà con những ngày Tết. Với tôi, đã làm phim thì phải làm phim hay. Nếu truyền hình không hay, người ta sẽ thuê băng đĩa về xem ngay!
– Khó khăn lớn nhất đối với phim truyền hình hiện là gì?
 – Là tất cả. Cái gì cũng khó khăn. Từ kịch bản đến máy móc, đến kinh phí, đến diễn viên… Phim truyền hình gắn liền với sự phát triển kinh tế. Muốn phát triển được phải có sự đồng bộ. Khó khăn của phim truyền hình hiện nay tôi nghĩ không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
– Ông có thể cho biết dự định cũng như nét mới của những phim truyền hình được sản xuất năm 2005?
– Chúng tôi sẽ vẫn đi theo hướng làm phim dài tập, và xác định là làm phim dài tập. Phim ngắn tập chỉ là thời kỳ quá độ… Chúng tôi chuẩn bị hoàn thành hai phim, Đi về phía mặt trời của đạo diễn Trọng Trinh 23 tập và phim Dòng sông phẳng lặng 15 tập về đề tài chiến tranh của đạo diễn Đỗ Đức Thành. Ra Tết hàng loạt phim nữa sẽ tiếp tục lên đường.
(Theo Hà Nội Mới)

1gom