Canada: Nói dối sếp chưa chắc đã bị sa thải

Martin McKinley, 55 tuổi, làm kế toán theo hợp đồng cho B.C 17 năm trước khi bị sa thải, năm 1994. Ông được thăng tiến lần lượt làm thủ quỹ rồi trợ lý. Năm 1994, bệnh huyết áp cao đã buộc McKinley phải tạm nghỉ một thời gian. Khi trở lại, ông xin vào làm công việc ít căng thẳng hơn. Nhưng thay vì chấp nhận, B.C đề nghị McKinley về hưu với một khoản tiền trọn gói. Ông từ chối và bị đuổi việc. McKinley đã khởi kiện.
B.C cho rằng McKinley đáng bị sa thải do không thành thật về tình trạng sức khoẻ của mình. Toà án Tối cao Canada đã xử cho McKinley thắng kiện, buộc B.C phải bồi thường cho ông 100.000 USD.
Luật sư của McKinley, ông Murray Tevlin, nhận xét, phán quyết của toà có tính chất bước ngoặt cho luật lao động của nước này. “Trước đây, luật cho phép chủ có thể sa thải người làm công bất cứ khi nào nghi ngờ họ nói dối. Điều này dựa trên tiền lệ từ những năm 80 ở Anh, thời điểm mà đánh đập người làm công vẫn được coi là hợp pháp”.
Theo nhận xét của các chuyên gia pháp lý, bản án có ý nghĩa quan trọng vì các ông chủ sẽ phải cẩn thận hơn khi dùng quyền sa thải của mình, còn nhân viên có thể nói dối sếp “một cách lương thiện”. Ví dụ, nói dối bị ốm trong khi hoàn toàn khoẻ mạnh có thể bị đuổi việc, vì đó là gian lận. Ngược lại, lời nói dối được xem là “lương thiện” khi nói với sếp là mình cảm thấy tốt trong khi thực tế rất mệt mỏi.
Một khảo sát về công nhân Canada năm 1997 cho thấy chỉ 15% người được hỏi tin rằng đồng nghiệp của mình hoàn toàn thành thật.
Mai Chi (theo CP, 29/6)

Close [X]
1gom
1gom