Người dân cầu nguyện tại Choeung Ek, một trong những cánh đồng chết ở Campuchia, hôm 17/4. |
3 thập kỷ sau, sau những cánh đồng chết và cái chết của khoảng 1,7 triệu người chiếm gần 1/3 dân số Campuchia khi đó, giấc mơ của Oeurn hóa ra là: đi nhặt phân bò để kiếm sống. Ông kiếm được hơn 3.000 riel (14.000 VND) trong 5 ngày sau khi bán một đống phân cao khoảng 1m.
Đối với Oeurn cũng như nhiều người Campuchia khác, lễ kỷ niệm 30 năm ngày Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ 17/4/2005 là dịp để nhớ lại chiến thắng của họ và sự hủy diệt sau đó.
“Chúng tôi đã được nhồi nhét vào đầu tư tưởng là phải quét sạch bọn nhà giàu và tham nhũng, những kẻ cưỡi xe hơi và coi thường nông dân, đẩy bọn chúng ra đồng lúa”, Oeurn cho biết.
Pol Pot, thủ lĩnh của Khmer Đỏ đã tuyên bố năm 1975 là năm zero và đặt mục tiêu xóa bỏ tư hữu, tiền và cấu trúc gia đình hay bất cứ điều gì liên quan đến xã hội Campuchia cũ. Nhưng những cách thức mà lực lượng này áp dụng đã không mang lại kết quả mà họ mong đợi để rồi cuối cùng dân Campuchia trở thành những người bất hạnh.
Các du kích của Khmer Đỏ chính là những người thất bại đau đớn nhất, trong đó có Nai Oeurn. Nhiều người trở về làng quê nghèo đói của họ và chịu ánh mắt nghi ngờ của láng giềng, những người còn nhớ về thời Khmer Đỏ.
Khorn Prak cho biết ông trúng 27 vết thương trong chiến tranh. Khi Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ năm 1979, ông trở về nhà và hay tin mẹ ông đã chết vì bệnh tật trong những năm ông vắng nhà. Giờ đây ở tuổi 53, ông làm ruộng và chữa xe đạp tại tỉnh Kampong Thom, cách Phnom Penh 110 km về phía bắc.
Cuộc chiến đó, Prak nói, chẳng mang lại gì cho ông ngoài những vết thương. “Thật đẫm máu và vô ích”.
Trước khi Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, Campuchia đã bị kéo vào cuộc chiến ở Việt Nam và bị máy bay Mỹ ném bom. Các vụ giao tranh bao vây lấy Phnom Penh trong nhiều tháng liền và thành phố này đầy người tản cư, thiếu lương thực và thuốc men. Song đối với những du kích từ nông thôn ra như Chhaing Tek Ngorn, khi đó 20 tuổi, thì Phnom Penh giàu có không thể tưởng tượng nổi.
Đầy kinh ngạc, họ đã dừng lại tại một quán bên đường, ăn mì và dùng răng để mở những chai Pepsi-Cola.
Giờ đây, Chhaing Tek Ngorn, 50 tuổi, vẫn nhớ về những khuôn mặt tươi cười của người dân khi chào đón các đoàn du kích. Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Khmer Đỏ bắt đầu đuổi người dân về vùng nông thôn. Các quan chức quân sự và cả quan chức dân sự cấp cao bắt đầu bị hành quyết. Khorn Prak cho hay chỉ chưa đầy một tuần sau, Phnom Penh đã bị biến thành “thành phố ma”. Cũng như Nai Oeurn, ông đã tin tưởng vào cuộc cách mạng được cho là nhằm xóa bỏ sự phân biệt giàu nghèo.
“Tôi đã chẳng có cảm giác gì cả, chẳng thương tiếc gì cả. Tôi cũng không mong muốn được sở hữu bất kỳ cái gì”, Prak nhớ lại. Oeurn kể rằng chỉ huy của ông đã ra lệnh quét sạch Phnom Penh và bắn bất kỳ người nào chống lại.
Tại Chamkar Ta Nget, ngôi làng cách Phnom Penh khoảng 30 km về phía tây nơi Oeurn từng gia nhập Khmer Đỏ, ông cùng vợ và 4 người con sống trong túp lều tồi tàn. Nửa người bên phải của ông vẫn cứng đờ vì một vết thương sâu. Oeurn cho biết ông không gặp lại cha mẹ và 3 người anh em ruột kể từ năm 1972. Bố ông từng là quan chức quân sự và có thể đã bị Khmer Đỏ giết hại.
Trong cuộc truy tìm đối phương, Khmer Đỏ không tránh khỏi việc tàn sát chính các thành viên của họ. Những người bị nghi ngờ ở cấp cao bị thủ tiêu trước và sau đó là đến những người cấp thấp hơn. Trước khi bị truy tố, nhiều người phải trải qua các đòn tra tấn tại nhà tù S-21 ở Phnom Penh, nơi Pen Heng từng là người gác cổng.
Khi một trong số những thành viên trong phiên gác của ông ngủ gật và để các tù nhân cướp lấy súng và tự tử, Pen Heng bị nghi ngờ và bị đưa ra làm ruộng ở ngoại ô Phnom Penh.
“Dưới thời Pol Pot, tôi đã cố cầm cự ngày qua ngày. Mỗi sáng mai thức dậy, bạn mới biết là sống thêm được một ngày nữa”, Heng cho biết.Ở tuổi 47, giờ Heng nuôi bò và sống khá dư dả cùng vợ và 3 đứa con tại một nơi từng là căn cứ tiếp tế của Khmer Đỏ. “Tôi đã được tái sinh”.
Pol Pot qua đời năm 1998 và những quan chức hàng đầu của Khmer Đỏ đang chờ ra trước một phiên tòa do Liên Hợp Quốc hỗ trợ. Tuy nhiên, những du kích của lực lượng này tiếp tục phải đối mặt với quá khứ.
Dù họ được phép tái hòa nhập với cộng đồng thì rào cản về tâm lý vẫn ngăn cách những cựu thành viên Khmer Đỏ và người dân bình thường khác, Youk Chhang, giám đốc trung tâm nghiên cứu về tội ác của Khmer Đỏ, cho hay.
“Các cựu thành viên của Khmer Đỏ và các nạn nhân không hoàn toàn hòa hợp vì Khmer Đỏ vẫn là biểu tượng sống của sự tàn ác trong xã hội chúng tôi”, Chhang nói.
Cho dù họ có vẻ thoải mái khi nói về quá khứ nhưng nhiều cựu du kích vẫn cảm thấy tội lỗi hoặc bị láng giềng xa lánh dù họ không trực tiếp giết người, Chhang cho biết.
Ngọc Sơn (theo AP)