Nhà văn Đỗ Chu tại Paris. |
– Giải thưởng ASEAN được trao tặng dựa trên tiêu chí nào, thưa ông?
– Đây là một giải thưởng mang tính khu vực, nó khiêm tốn thôi, mục đích là kéo các nước cùng chung đặc điểm “ăn mắm” và “ăn trầu cau” xích lại với nhau. Các nhà văn được lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: thứ nhất phải có bề dày sáng tác và thứ hai phải có ít nhất một tác phẩm mới trong 3 năm trở lại đây tạo ra dư luận và đoạt một giải thưởng trong nước. Giải thưởng ASEAN đã có cách đây 7 năm và do Thái Lan đứng ra tổ chức.
– Người ta nói, giải thưởng này thực ra là một sự phân chia đều cho những bậc lão làng, hết anh này thì đến lượt anh kia chứ không có gì to tát, ông nghĩ sao?
– Người ta nói thế nghĩa là “hết ao lại đào đến đất”, hết người tài thì lại đến người tài vừa vừa thôi. Mọi thứ chỉ mang tính tương đối, có thể tôi cũng là một trong số đó, nhưng nếu không có sự phân chia đó thì Một loài chim trên sóng cũng vẫn sẽ ra đời. Nghĩa là, với tôi giải thưởng này chỉ là một sự an ủi. Nếu biết mình đang ở đâu và tầm vóc mình như thế nào thì sẽ thấy quý hơn những gì mình đạt được.
– Đến nước bạn và trông lại nước mình, ông thấy sự đầu tư cho văn học có gì khác biệt?
– Những người nhận giải thưởng lần này, theo tôi biết người thì là giảng viên đại học, người làm bác sĩ… Nghĩa là ở đâu cũng thế, chưa có cái nghề nào gọi là nghề viết văn. Người ta muốn viết thì phải lăn vào đời sống, phải bươn chải chứ sự nhàn tản, êm ấm không tạo ra được những trang viết có giá trị. Cho nên, người cầm bút ở thời nào cũng cần phải chuẩn bị cho mình cái tâm thế “lăn xả” không thể ngồi để chờ đợi.
– Trong các tác phẩm của mình, điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?
– Đã là văn học thì dù viết cái gì và bằng cách nào thì cuối cùng nhà văn cũng phải hướng về vấn đề cuộc sống và số phận con người. Tôi thường xúc động với những cái rất nhỏ nhặt trong đời sống, khi cảm thấy bức bách, tôi cầm bút và muốn tìm lại sự công bằng trong trang viết, ít ra là cho bản thân mình.
– Ông muốn nói điều gì trong “Một loài chim trên sóng”?
– Điều làm tôi vui nhất là mấy người bạn Việt kiều khi đọc xong truyện này bảo với tôi rằng “Ông viết thật lắm, toàn những điều mà tôi trăn trở”. Loài chim trên sóng ấy không phải là loài chim có thật mà là một sự ám chỉ. Đó là loài chim Việt, những số phận lênh đênh, phiêu dạt rất cần sự che chở cảm thông.
– Là trưởng Ban văn học trẻ của Hội nhà văn, ông đánh giá thế nào về những cây bút trẻ?
– Nhiều cây bút hiện nay, họ mượn tuổi trẻ để lý giải cho sự ngô ngọng của mình. Thế thì thử hỏi tại sao trước đây 16 tuổi Chế Lan Viên đã cho ra những Điêu Tàn, 20 tuổi Hàn Mặc Tử đã được biết đến trên thi đàn. Tôi thường bảo họ viết cái gì phải cho ra viết, phải cảm thấy xấu hổ mới viết hay được. Họ loay hoay đi tìm cái mới nhưng cái mới phải hay thì người ta mới đọc. Họ viết về tình dục, về ăn và ngủ một cách bỗ bã mà đọc xong người ta không nhớ là viết về cái gì. Một trang văn hay ở thời nào cũng thế phải khiến người ta đọc xong rớm nước mắt mà bật khóc vì những gì nhà văn đã viết hoặc buộc họ phải phì cười. Văn chương không chấp nhận những tâm trạng nhàng nhàng, hời hợt.
– Sau “Một loài chim trên sóng” tác phẩm mới tiếp theo của ông sẽ là gì?
– Tập tuỳ bút Tản mạn trước đèn vừa in xong và nộp lưu chiểu, và tôi đang viết cuốn Ngoài kia là sông Hồng. Ở đó, tôi lắng nghe những tiếng thở phì phò trong những căn nhà hộp, những đôi tình nhân ôm nhau, tôi lắng nghe họ đau khổ thở than, họ nói xấu nhau, khoe khôn, khoe dại với đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố. Cuộc sống bề bộn ở đêm sông Hồng, cái cao cả thiêng liêng tồn tại bên cạnh cái thấp hèn. Những gì tôi đã sống, đã chứng kiến sẽ được tái hiện qua tác phẩm này.
Thu Hà thực hiện